Thị trường

Hà Nội lo đầu ra cho rau an toàn

Tại Hà Nội, sau 1 năm thí điểm gắn nhãn, tem cho sản phẩm rau an toàn, thị trường rau sạch bước đầu đã có chuyển biến tích cực và giúp người tiêu dùng lựa chọn được thuận lợi hơn. Hà Nội đặt mục tiêu từ năm 2014, toàn bộ rau an toàn sẽ được gắn nhãn, tem.

Rau đang bị ép giá

Xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) có 250 ha trồng rau an toàn. Từ đầu tháng 11/2011 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã triển khai việc gắn tem, nhãn nhận diện rau an toàn tại xã Văn Đức. Theo ông Chử Đức Nhị, Chủ nhiệm Hợp tác xã Văn Đức, đây là một bước đột phá mới tạo sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn nhằm tăng thu nhập và nâng cao mức sống người dân trong xã. Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội hỗ trợ tem, nhãn, bao dứa , túi ni lông, dây buộc cho nông dân gói rau.

“Bà con nông dân rất hưởng ứng việc dán tem, nhãn cho sản phẩm rau an toàn. Họ nhận thức được rằng khi gắn tem, nhãn, sản phẩm rau của Văn Đức được nhiều nơi biết đến, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm”, ông Chử Đức Nhị nói. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp từ Đà Nẵng, Quảng Bình, TP.Hồ Chí Minh, Hải Dương đều tìm đến đặt hàng. Rau an toàn của Văn Đức còn được xuất sang Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Nhờ việc dán nhãn, giá sản phẩm rau của Văn Đức cao hơn trung bình 500 - 1.000 đồng/kg so với rau các vùng lân cận, bước đầu tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

 

 

Ảnh minh họa.



Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện việc dán nhãn, lượng rau được gắn nhãn vẫn không đáng kể. Mỗi năm Văn Đức làm ra khoảng 20.000 tấn rau cho thị trường. Mỗi ngày xã này thu hoạch 50 - 60 tấn đưa đi các nơi tiêu thụ. Nhưng lượng rau được gắn nhãn chỉ khoảng 20 - 30 tấn/ngày.

Việc tiêu thụ rau vào chính vụ còn rất khó khăn. Có khoảng 80% số hộ trồng rau vẫn phải bán qua trung gian nên dễ bị ép giá. Còn lại, 10% sản lượng rau được bán qua hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và 10% sản lượng nông dân chở rau đi bán tận tay người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Trung Quan, xã Văn Đức) thở dài: “Lượng rau được thu mua qua các đầu mối doanh nghiệp không nhiều. Chúng tôi phải bán cho các thương lái ngoài chợ nên hay bị ép giá. Vụ cải thảo của vợ chồng tôi năm nay thu hoạch được 4 triệu đồng/sào. Thời điểm này, cải đang được giá nên bán 4.000 đồng/kg. Còn có thời điểm, giá rau xuống giá chỉ còn 2.000 đồng/kg.

Đại diện của UBND huyện Gia Lâm thừa nhận: “Trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn vẫn chưa ổn định do thiếu chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh rau an toàn”.

Sẽ bắt buộc dán nhãn

Hiện nay, toàn huyện Gia Lâm có 5 xã có vùng chuyên trồng rau với tổng diện tích trên 390 ha trồng rau an toàn đã được Sở
Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cấp chứng nhận. Sau xã Văn Đức, hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã triển khai dán nhãn rau an toàn bán buôn tại xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) với 50 ha và xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) với 50 ha.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và giúp người tiêu dùng dễ nhận biết, lựa chọn sản phẩm rau an toàn thì ngoài việc dán nhãn cho sản phẩm bán buôn cũng cần dán nhãn để nhận diện cho các sản phẩm rau an toàn bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị, chợ, điểm bán rau an toàn. Từ tháng 9/2012, thành phố đã lựa chọn 29 cơ sở sản xuất rau an toàn để thí điểm dán tem nhận diện. Cụ thể: 10 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau an toàn có hoạt động sơ chế và 9 hợp tác xã dán tem cho hộ nông dân bán lẻ (có đăng ký danh sách dán nhãn).

Khảo sát tại Văn Đức, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đề nghị thời gian tới, Sở
Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp UBND huyện Gia Lâm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất đưa Gia Lâm thành vùng rau an toàn trọng điểm của Hà Nội và của toàn miền Bắc.

Theo lộ trình, trong 2 năm 2012 - 2013, Hà Nội tiếp tục khuyến khích việc dán nhãn, gắn tem rau an toàn trên cơ sở tự nguyện đăng ký của người dân. Từ năm 2014 trở đi, tiến tới quy định việc dán nhãn, gắn tem nhận diện rau an toàn là điều kiện bắt buộc nhằm phục vụ công tác quản lý.

Theo UBND huyện Gia Lâm, việc sản xuất và kinh doanh rau an toàn vẫn còn khó khăn do các điều kiện cơ sở hạ tầng, như: hệ thống kênh tưới tiêu, phần lớn là mương đất, lượng nước thất thoát lớn, dẫn đến việc cấp nước trồng rau chưa được chủ động. Đồng thời, hệ thống điện chiếu sáng cho sản xuất rau vẫn còn thiếu và hệ thống giao thông nội đồng phần lớn là đường đất cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và sản phẩm rau vào vụ thu hoạch.


Thúy Mai (Theo Báo Tin Tức)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo