Tin tức - Sự kiện

Hà Nội, nước nhiễm độc asen cao gấp 37 lần

Hiện người dân cụm dân cư Phú Mỹ (Mỹ Đình - Hà Nội) đang hoang mang lo ngại mắc bệnh hiểm nghèo do ăn uống phải nước nhiễm độc.

Kết quả xét nghiệm mẫu nước bất kỳ của các hộ trong cụm dân cư dự án nhà để bán thuộc thôn Phú Mỹ (Mỹ Đình – Hà Nội) khiến hàng trăm người dân giật mình khi thấy toàn bộ hệ thống nước do đơn vị chủ thầu cung cấp bị nhiễm thạch tín (hay còn gọi là Asen)

 

Theo ông Bùi Quang Nhượng (P505 – NO1, tổ phó Ban đại diện lâm thời cụm dân cư dự án nhà để bán của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Hà Nội), cụm dân cư gồm các khu nhà NO1, NO2, NO3, NO4, NO5 có khoảng 150 hộ dân, với hơn 500 dân, đa số là các gia đình trẻ chuyển về đây sống từ năm 2007.

 

Gia đình chị Hoàng Bảo Thoa ở căn hộ 602 – khu nhà NO1 chuyển về khu nhà sống từ năm 2008, từ đó đến nay mọi sinh hoạt trong gia đình đều dùng nước do Công ty CPĐT BĐS Hà Nội cung cấp. Chị nói: “Từ lâu chúng tôi thấy nước có màu khác thường, nên đã chủ động mua thêm máy lọc nước công nghệ RO để lọc nước nấu ăn, còn các sinh hoạt khác đều dùng nước của công ty. Ngay sau khi có kết quả nước bị nhiễm Asen, vợ chồng tôi lại mua thêm hệ thống lọc ở đầu nguồn hết 5 triệu đồng”.

 

Cũng theo chị Thoa, cô con gái lớn đang học lớp 2 thời gian gần đây có hiện tượng sùi da ở hai bàn chân, đã đi chữa nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Không chỉ có con gái chị, hiện nay trong khu nhà có một vài hộ gia đình bị mắc các chứng bệnh như rụng tóc, ngứa, á sừng, viêm da…thậm chí có hai người mới phát hiện mắc bệnh ung thư trong khi tuổi đời còn rất trẻ.

 

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và nếu chứng minh được những bệnh trên là do nước sinh hoạt, chúng tôi sẽ khởi kiện Công ty CPĐT BĐS Hà Nội. Vì không chỉ cung cấp nước sinh hoạt bẩn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân”, chị Thoa cho hay.

 

Tìm thêm nhân chứng thuyết phục, chị Thoa dẫn chúng tôi đến gặp chị Ngô Thị Hà (35 tuổi, chủ căn hộ 608 – NO1) một trong hai người mới phát hiện bệnh ung thư.

 

Chị Hà lấy cho chúng tôi xem kết quả giải phẫu bệnh của chị tại bệnh viện Việt Đức vào tháng 4/2012 ghi rõ chị bị Adenocarcinoma biệt hóa vừa của đại tràng (Adenocarcinoma là loại phổ biến nhất của ung thư dạ dày).

 

Chị cho biết, trước khi chuyển về sống ở khu nhà sức khỏe của chị hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiến sử đau dạ dày hay đại tràng, càng không có biểu hiện đau đớn, bệnh tật gì.

 

“Đến tháng 4/2012, tôi thấy hơi đau bụng nên đến bệnh viện Việt Đức để nội soi. Sau quá trình thăm khám, bác sĩ nói tôi bị ung thư đại tràng giai đoạn giữa. Hiện tôi đang điều trị 6/12 đợt bằng hóa chất, tóc cũng đang rụng dần”, vừa nói chị vừa chỉ lên đầu cho chúng tôi xem.

 

Lúc đầu nghe tin, chị không tin mình bị ung thư đại tràng giai đoạn giữa vì theo bác sĩ những người có tiền sử bị viêm loét trong một thời gian dài có nguy cơ dẫn đến ung thư, song cũng không ít trường hợp bệnh ung thư sinh ra do độc tố được tích tụ lâu ngày trong quá trình sinh hoạt. Đọc xong kết quả chị thực sự choáng váng.

 

“Hiện tôi vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao tôi lại mắc căn bệnh này. Chỉ biết là từ năm 2007 đến nay chúng tôi sử dụng nguồn nước do công ty cung cấp để ăn uống, tắm giặt, trong khi theo kết quả kiểm nghiệm mẫu nước hồi tháng 8 vừa qua nguồn nước này bị nhiễm Asen cao hơn mức cho phép gấp hàng chục lần không biết có ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng tôi không?”, chị Hà nói.

 

Nghe đến đây, chị Thoa cho biết thêm, hiện người dân đang hoang mang lo ngại mắc bệnh hiểm nghèo do ăn uống phải nước nhiễm độc.

 

Trước đó, do nghi ngờ nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, nhiều người dân lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm thì tất cả đều phát hoảng khi nhận được kết quả nước bị nhiễm hàm lượng Asen cao gấp 37 lần so với mức cho phép.

 

Nhiều gia đình vẫn chưa tin vào kết quả đó, liền lấy mẫu nước của gia đình mình đi kiểm nghiệm thì đều nhận được kết quả nguồn nước bị nhiễm Asen ở mức cao.



Chủ đầu tư giữ điệp khúc "cung cấp nước sạch"

 

Trong hợp đồng mua bán nhà giữa Công ty và các hộ dân có điều khoản ghi rõ là Công ty cung cấp nước sạch đầy đủ cho người dân, nhưng theo các hộ từ khi chuyển về đây sinh sống họ đều phải dùng nước giếng khoan vẩn đục, nổi váng màu vàng. Nghi ngờ nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo an toàn nhiều lần các hộ dân đã kiến nghị lên Công ty yêu cầu cung cấp nước sạch theo đúng hợp đồng mua bán nhà, nhưng tình trạng nước đổi màu, thậm chí đen như nước cống vẫn thường xuyên diễn ra.

 

“Nếu biết trước công ty không cung cấp hệ thống nước sạch cho người dân như trong hợp đồng mua bán nhà thì chúng tôi sẽ chẳng bỏ tiền ra mua nhà ở đây”, ông Tô Minh Kiên (tổ trưởng Ban đại diện lâm thời cụm dân cư) gay gắt nói.

 

Cư dân nơi đây cho biết, họ đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng, đồng thời tiến hành thuê luật sư và làm các thủ tục khởi kiện Cty CP đầu tư bất động sản Hà Nội cung cấp nước sinh hoạt nhiễm Asen cao gấp hàng chục lần cho phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho rất nhiều người nơi đây, trong đó có trẻ em và phụ nữ.

 

Trước những phản ứng của cư dân, ngày 15/9, Công ty CPĐT BĐS Hà Nội đã có văn bản gửi tới cụm dân cư. Trong đó, công ty này khẳng định, trạm xử lý và cung cấp nước cho các hộ dân tại các tòa nhà nói trên được xây dựng theo đúng thiết kế UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt. Hiện nay, trạm xử lý và cung cấp nước nếu tiếp tục thực hiện công tác bảo dưỡng, bảo trì thì vẫn đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân theo tiêu chuẩn cho phép.

 

Để đảm bảo việc sử dụng nước ổn định lâu dài cho các hộ dân, Công ty đã làm việc với công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco  lập phương án cấp nước sông Đà cụ thể: Đấu nối đường ống cấp nước từ đường Phạm Hùng đến khu dân cư. Tiến độ thực hiện đấu nối trong vòng 7 ngày.

 

Trong thời gian khắc phục, từ ngày 11/9, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Hà Nội đã ký hợp đồng mua nước sạch và vận chuyển bằng xe téc đến tòa nhà. Việc cung cấp nước này sẽ được duy trì cho đến khi công ty hoàn thành các công việc liên quan đến khắc phục và giải quyết sự cố.

 

Tuy nhiên, theo ông Kiên (tổ trưởng lâm thời cụm dân cư) mỗi ngày chỉ khoảng 10 -15 xe téc cung cấp cho gần 150 hộ dân, với khoảng 500 người thì vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con. Nước chỉ dùng trong 20 phút là hết. Có hơm đang tắm thì bỗng nhiên hết nước, đành lau vội chờ có nước mới tắm tiếp. Hơn nữa, nước sạch vẫn được đổ vào bể cũ, chạy bằng đường ống cũ lên từng hộ gia đình thì khó có thể đảm bảo còn sạch như ban đầu được.

 

“Bắt đầu từ ngày 17/9, chúng tôi thấy Công ty cho người đem đường ống dẫn nước đến đặt ngoài sân. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy họ triển khai lắp đặt. Mặt khác, từ trước đến nay Công ty vẫn một mực khăng khăng nước họ cung cấp cho chúng tôi là nước sạch, đạt tiêu chuẩn, trong khi trong tay chúng tôi đang có bằng chứng chứng minh nước của họ nhiễm Asen. Vì vậy, Công ty không chỉ đấu nối nước sạch vô điều kiện mà còn phải nhận trách nhiệm trước dân”, ông Kiên nhấn mạnh thêm./.

 

 

Theo VOV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo