Tin tức - Sự kiện

Hà Nội phải “hi sinh” cây cổ thụ vì an toàn của đường sắt trên cao

Chiều cao trung bình của hàng cây xà cừ cổ thụ chạy dọc theo tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 14-20m; trong khi đó, khoảng cách từ tim đường sắt đến hàng cây chỉ 14m. Khi cây đổ sẽ đe dọa an toàn đường sắt, vì vậy thành phố buộc phải “hi sinh” hàng cây này.

Sáng nay (22/1), Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp với sự có mặt của nhiều cơ quan thông tấn báo chí nhằm thông báo triển khai việc chặt hạ và di chuyển các cây xanh không phải cây đô thị trên dải phân đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) để đảm bảo an toàn cho thi công, vận hành công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên dải phân cách giữa làn đường xe cơ giới và đường xe buýt trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (quận Hà Đông - Hà Nội) còn 23 cây xà cừ có đường kính thân nhỏ hơn 50cm và 123 cây xà cừ có đường kính thân trên 50cm. Ngoài ra còn có một số cây khác như bằng lăng, phượng, sấu, đa, si và nhội.





Để đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông, hàng trăm cây xà cừ cổ thụ sẽ tiếp tục bị chặt hạ.


Ông Trần Trọng Hiếu - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng và Công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội) - cho biết: “Ngay khi xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Tổng cục Đường sắt đã kiến nghị với UBND TP Hà Nội là phải chặt hạ hàng cây dọc theo tuyến đường sắt, nhằm đảm bảo an toàn cho thi công cũng như vận hành sau này. Do đó, được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tiến hành chặt hạ, di chuyển hàng cây xà cừ và một số cây kể trên. Khi tiến hành chặt hạ và di chuyển, chúng tôi sẽ trồng thay thế trên vỉa hè cây lát hoa và sao đen”.

Ông Hiếu cho biết thêm, chiều cao trung bình của hàng cây xà cừ trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông - Hà Nội) từ 14m - 20m. Trong khi đó, khoảng cách từ tim đường sắt đến hàng cây chỉ có 14m. Vì vậy, khi thời tiết xấu, nếu cây đổ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tuyến đường sắt. Chính vì vậy tất cả số cây xà cừ trên trục đường trên sẽ tiếp tục bị chặt hạ.

Tại cuộc họp, các phóng viên báo chí đặt câu hỏi: Tại sao không cắt tỉa, hạ bớt chiều cao để vẫn giữ được hàng cây? Vì sao xà cừ lại không nằm trong chủng loại cây xanh đô thị? Cây lát hoa và sao đen có ưu điểm gì mà được lựa chọn trồng thay thế?

Ông Hiếu phân tích: “Chúng ta không phủ nhận giá trị của hàng cây đem lại cho Thủ đô, tỏa bóng mát cho nhân dân nhất là vào mùa hè. Nhưng xà cừ là cây rễ chùm, ăn rất nông, thân lại to nên nguy cơ gãy đổ khi gặp thời tiết xấu là rất cao. Nếu chúng ta cắt tỉa, hạ bớt độ cao của cây thì trông rất mất mỹ quan, nó sẽ không phát triển được và chở thành những cây chết. Do đó, xà cừ không nằm trong chủng loại phát triển cây đô thị. Sao đen và lát hoa là loài cây gỗ lớn, rễ cọc, thân thẳng, phân cành cao, có lá và hình dáng tán đẹp, khả năng chống chịu gió bão tốt, ít bị đổ gãy, đảm bảo an toàn giao thông”.

Về phương án chặt hạ, dịch chuyển cây trên dải phân cách tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, Sở Xây dựng cho biết sẽ chặt hạ 148 cây, trong đó có 21 cây xà cừ có đường kính thân nhỏ hơn 50cm, 123 cây xà cừ có đường kính thân lớn hơn 50cm, 1 cây phượng, 2 cây sấu. Ngoài ra, Sở Xây dựng còn chỉ đạo dịch chuyển 9 cây khác để phục vụ bỏ dải phân cách, mở rộng lòng đường, chống ùn tắc.

Sở Xây dựng cho biết, dự kiến công việc trên sẽ hoàn thành trước ngày 15/2/2015.

Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo