Hà Nội: phấn đấu trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, còn nông thôn thì còn xây dựng nông thôn mới, mục tiêu đến năm 2020, toàn thành phố sẽ phấn đấu có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; nông nghiệp và nông thôn luôn đóng vai trò quan trọng trên địa bàn thành phố.
Đó là mục tiêu đề ra của Thành ủy Hà Nội trong tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới từng bước nâng cao đời sống nông dân ngày 7/2.
121 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Sau 4 năm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có 121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 30% tổng số xã. Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2014 đạt 28,6 triệu đồng/người, tăng 14,6 triệu đồng so với năm 2011. Trên 90% dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.
Đến nay, số hộ nghèo trên toàn thành phố còn 34.409 hộ, giảm 81.648 hộ so với năm 2011 là 116.057, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,91%, giảm 5,61% so với năm 2011. Trong đó khu vực nông thôn giảm từ 108.669 hộ nghèo năm 2011 xuống còn 28.528 hộ năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,25% năm 2011 xuống còn 2,89% năm 2014.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cũng chuyển biến tích cực, tăng từ 14,0 triệu đồng năm 2011 lên 28,6 triệu đồng năm 2014, không còn nhà dột nát, đa số các hộ đều có nhà kiên cố, khang trang.
Trong 4 năm qua, ngoài nguồn đầu tư của nhà nước, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể cùng nhân dân tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới.
Các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể đã ủng hộ 1.306 tỷ đồng, đặc biệt có 60 doanh nghiệp hỗ trợ từ 100 triệu đồng. Đây là một nguồn lực lớn để sớm hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Sản xuất nông nghiệp cũng đạt được những kết quả quan trọng, có cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm thủy sản tăng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 231 triệu đồng/ha đất nông nghiệp năm 2014, hình thành một số vùng chuyên canh quy mô lớn có giá trị kinh tế cao.
Dồn điền đỏ thửa được coi là khâu đột phát trong nông nghiệp, bước đầu đã hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất nôn sản hàng hóa tập trung, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn.
Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Bí thư huyện ủy huyện Phúc Thọ, nhiều mô hình nông nghiệp mới đã xuất hiện, đặc biệt là thực hiện cơ giới hóa, trong thời gian tới huyện sẽ chú trọng vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc tiếp cận cái mới, khoa học hiện đại của người nông dân là tiền đề rất quan trọng để huyện thực hiện phát triển trong thời gian tới
“Còn nông thôn thì còn xây dựng nông thôn mới”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn rất nhiều khó khăn trong công tác dồn điền đổ thửa ở số huyện do còn vướng mắc, khiếu kiện, nông dân chưa nhận ruộng, thậm chí một số địa phương nhân dân bỏ ruộng hoang không sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn mang tính truyền thống, thu nhập thấp, kinh tế khó khăn chưa xứng đáng với tiềm năng của Thủ đô. Công tác chuyển đổi cây trồng vật nuôi chưa vững chắc, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa chú trọng đến liên kết sản xuất và chế biến tiêu thụ sẩn phẩm, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô.
Đồng thời, số xã hoàn thành nông thôn mới ở các địa phương chưa đồng đều , công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Do đó, theo đồng chí Nguyễn công Soái – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, trước hết các cấp ủy, chính quyền phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm lâu dài.
Sẽ phấn đấu năm 2015 có thêm 55 xã đạt chuẩn nông thôn mớ , đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 99% và thu nhập khu vực nông thôn 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 90%, mỗi năm giải quyết cho 70.000 – 75.000 lao động nông thôn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, còn nông thôn thì còn xây dựng nông thôn mới, mục tiêu đến năm 2020, toàn thành phố sẽ phấn đấu có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, trong đó nông nghiệp và nông thôn đóng vai trò quan trọng trên toàn địa bàn thành phố.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo, khắc phục những tồn tại trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhân rộng những mô hình, những điểm sáng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Quá trình xây dựng nông thôn, lưu ý đến bảo vệ và giải quyết hài hòa các vấn đề về môi trường, về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Trần Hiền
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo