Hà Nội: Sinh viên vật vã với nắng nóng kỷ lục
Đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài có lúc lên đến 42 - 43 độ C đã khiến cuộc sống của nhiều người dân Thủ đô bị đảo lộn. Tuy nhiên, vất vả nhất vẫn là những người lao động nghèo hoặc học sinh, sinh viên thuê trọ trong những căn phòng chật hẹp.
Nắng nóng đã khiến cuộc sống của nhiều bạn sinh viên trở nên vô cùng khó khăn, bí bách. Bạn Nguyễn Thị Thảo (sinh viên Đại học Thương mại) than thở: "Bọn mình cảm thấy khó chịu khủng khiếp. Tuy phòng mình thuê ở trong khu chung cư mini nhưng rất chật hẹp. Hơn nữa, để tiết kiệm tiền, mình trọ cùng 2 người nữa nên những ngày nắng nóng như hiện nay, mình cảm giác rất bức bối".
Phần lớn sinh viên đều thuê trọ ở những căn phòng chật hẹp với diện tích chưa đầy 20m2 nên trong những ngày nắng nóng thế này, những căn phòng trọ không khác gì lò thiêu.
Cũng rơi vào cảnh tương tự như Phương, Thanh Nga (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: "Bây giờ đang là cao điểm ôn thi, muốn về quê hay cùng bạn bè đi lượn phố cũng khó. Hàng tuần nay mình luôn phải học bài trong tình cảnh vật vã, đêm không ngủ nổi vì mồ hôi đổ ướt hết lưng áo. Chuyện học hành trong căn phòng trọ bát quái khiến mình cảm giác như sắp kiệt sức".
Tuy nhiên, vất vả nhất vẫn là các bạn sinh viên thuê trọ trong ký túc xá. Nguyễn Thanh Hoa (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Ở ký túc ngày nóng đúng là kinh hoàng, 8 người chung một phòng rộng chưa đầy 13m2. Chưa kể là ở ký túc không được dùng điện, nước thả phanh. Có lúc còn bị mất nước sạch, không thể tắm gội khiến mình thấy ngột ngạt vô cùng”.
Bước chân ra đường là đối mặt với cái nóng hầm hập, về nhà lại phải tiếp tục vật lộn trong không gian ngột ngạt, nóng bức khiến nhiều nữ sinh ngã bệnh. Ngọc Châm (sinh viên Đại học Mở Hà Nội) tâm sự: “Ngày nào mình cũng thức dậy từ lúc 6h để đến trường nhưng 3h sáng mới ngủ được vì nắng nóng nên luôn có cảm giác mệt mỏi. Đi học đã nắng nóng lắm rồi nhưng về nhà, mình còn thấy khó chịu hơn”.
Hàng ngàn cách chống chọi với nóng
Để chống chọi với nóng, nhiều sinh viên đã nghĩ ra đủ cách có thể như dùng chậu nước đá để ở trước quạt để tản nhiệt, lấy khăn mặt ướt đắp lên mặt khi ngủ, ngồi học ngoài hành lang và đêm đến thì lăn ra nền đất để ngủ. Bên cạnh đó, để hạ nhiệt, các bạn còn chăm chỉ lau nhà 4 - 5 lần trong ngày nhằm giảm sức nóng của sàn nhà.
Dù là biện pháp phổ biến, nhưng cách để đá trước quạt cũng chỉ là biện pháp tức thời vì đá sẽ tan rất nhanh trong điều kiện thời tiết thế này.
Trong đó, biện pháp dùng chậu nước đá để trước quạt được rất nhiều sinh viên áp dụng. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng, hơi nước lạnh bốc lên sẽ làm mát không khí hơn. Nhìn thấy chậu nước cũng cảm thấy nhiệt độ đang giảm đi phần nào.
“Tối nào bọn mình cũng tốn ít tiền để mua đá về quạt cho mát nhưng vì nóng quá nên đá rất nhanh tan, thành ra biện pháp này cũng chỉ mang tính tức thời, không thực sự hiệu quả lắm” – Thảo than thở.
Trong khi đó, với Thanh Nga, để tránh nóng, ban ngày cô và các bạn thường rủ nhau lên thư viện học bài vì ở đó có lắp nhiều điều hòa. “Ở thư viện rất mát, mọi người cũng yên tĩnh nhưng có nhược điểm là khá đông và hơi chật, cảm giác học không hiệu quả” – Nga nói.
Dù thế, rất nhiều sinh viên vào những ngày oi nóng như thế này, từ sáng đến chiều đều lên thư viện, buổi trưa cũng tranh thủ chợp mắt một lúc rồi lại học tiếp, mãi tối mịt mới về phòng.
Một kiểu chống nóng thú vị như Thu Hương (sinh viên Đại học Mở) kể: "Buổi trưa nhà mình rất nóng, không thể ngủ được. Sẵn vé tháng xe buýt sinh viên, mấy hôm nay, mình bắt chuyến vắng người, lên xe ngủ một giấc, đến đầu bến bên kia lại quay về vì ít ra trên xe buýt cũng còn có điều hòa, mát mẻ hơn ở nhà".
Nhiều bạn sinh viên phải tìm ra hành lang hoặc các khoảnh sân rộng để ôn thi.
Ban ngày, nhiệt độ ngoài trời có nơi lên tới 43 độ C nhưng theo nhiều sinh viên, thời điểm đó không ngột ngạt bằng buổi tối. “Ban ngày có thể chạy đi chỗ khác có điều hòa để tránh nóng nhưng hầu như đêm đến là phải ở trong phòng ôn thi, không đi đâu được. Trong khi nền nhiệt trong nhà nóng tới 37 độ C nhưng vì không có điều kiện lắp điều hòa nên bọn mình rất khổ sở, tù túng” – Mỹ Linh chia sẻ. Theo Linh, để tránh nóng, buổi tối cô và các bạn thường tụ tập ra khoảnh sân chung của xóm trọ để ngồi hóng mát. Một số khác lại chọn cách ngồi ở hành lang đọc sách.
“Nói chung ngoài việc ra hành lang đứng, ngồi, nằm vật vã hoặc dùng khăn ướt lau mặt, chân tay thường xuyên mình cũng không biết làm gì hơn.” – Linh bức xúc. Theo Linh, những cách chống nóng của sinh viên hầu như đều là “mẹo vặt” và không thực sự hiệu quả. Linh chia sẻ: “Bây giờ chỉ cầu sao có cơn mưa cho trời dịu bớt hoặc có điều kiện để chuyển sang chỗ trọ mới thoáng rộng hơn chứ nếu tình cảnh này kéo dài, chắc mình cũng ốm mất”.
Bên cạnh những kế chống nóng ấy, trên mạng xã hội, những hình ảnh chống nóng hết sức sáng tạo của các bạn sinh viên với những biện pháp "chẳng giống ai" cũng khiến cho nhiều người phải... bật cười. Những hình ảnh được chia sẻ phần nào cho thấy sự khắc nghiệt của đợt nắng nóng kỉ lục cũng như những khó khăn mà người dân phải chịu đựng khi học tập và sinh hoạt trong điều kiện thời tiết "khó nhằn" này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mùa Tết của những làng nghề đặc sản trăm tuổi ở miền Tây
Đi chợ Tết ngày cuối năm - Nét văn hoá của người Việt
Cần Thơ bắn hơn 1.000 quả pháo hoa mừng Tết Nguyên đán
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Ngành đường sắt bán hơn 434.000 vé trong dịp Tết Nguyên đán 2025
Thời tiết mùng 1 Tết Ất Tỵ (ngày 29/1/2025): Bắc Bộ trưa chiều trời nắng