Hà Nội 'trồng nhầm' gỗ mỡ, không phải vàng tâm?
Trong khi Hà Nội vừa tạm dừng chặt cây và trước đó đã trồng một số cây vàng tâm trên phố Nguyễn Chí Thanh thì một số nhà lâm nghiệp khẳng định 'những cây đang được trồng thay thế tại Hà Nội không phải là cây vàng tâm mà là cây gỗ mỡ..."
Hà Nội trồng nhầm cây?
Trong đề án chặt hạ, dịch chuyển 6.700 cây xanh của TP.Hà Nội, cây gỗ vàng tâm được lựa chọn để thay thế trên nhiều tuyến phố, nhiều nhất trên đường Nguyễn Chí Thanh với 382 cây.
Trong lễ trồng cây trên phố Nguyễn Chí Thanh vừa qua, đơn vị tài trợ giới thiệu, cây vàng tâm là cây gỗ quý, thân gỗ, rễ cọc, cao 25 - 30m, đường kính 70 - 80cm2.
Vỏ màu xám trắng, thịt vàng nhạt. Lá chất da, dày, hình mác - bầu dục dài, rộng 1,5 - 6,5cm. Ra hoa vào tháng 3-4. Hoa có mùi thơm nhẹ, hương lâu. Gỗ tốt, khó mối mọt, khi khô không nẻ cũng không biến dạng. Vàng tâm có độ bền cao với tuổi thọ lên tới hàng nghìn năm.
Vì vậy, đại diện đơn vị tài trợ cho rằng việc chọn cây vàng tâm trồng đồng bộ ở phố Nguyễn Chí Thanh vừa tạo điểm nhấn cho tuyến phố, vừa thực hiện mục tiêu bảo tồn loài cây gỗ quý.
Tuy nhiên trên thực tế, người dân không có được thông tin đầy đủ về loại cây này.
Là một người yêu Hà Nội, nên ngay khi Hà Nội tiến hành chặt cây và thay thế một loạt vàng tâm trên phố Nguyễn Chí Thanh và nhiều tuyến phố khác, đích thân nhà lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp đã đến tận nơi để tìm hiểu trực tiếp.
Kết quả rất bất ngờ. Ông Cường khẳng định: "Cây đang trồng ở Hà Nội không phải cây vàng tâm, mà là cây gỗ mỡ (một số vùng gọi là mỡ vàng tâm). Nó giống nhau là cùng một họ, nhưng khác chi. Cây này không phải là cây bóng mát và không có giá trị về gỗ".
Ông Cường nói thêm, ông đã từng làm nhiều đề tài nghiên cứu cho Công viên cây xanh để đưa cây bóng mát về Hà Nội, và trong suốt hơn 100 năm nay, chưa ai nghiên cứu để trồng cây mỡ hay cây vàng tâm để lấy bóng mát cả.
"Tôi thấy tiếc cho kiểu làm ăn không có cơ sở khoa học, không có nghiên cứu cụ thể nào. Cây ở Hà Nội có được bóng mát ít nhất phải mất 20 năm, không phải 30 năm. Ở Hà Nội hiện có những cây 120 năm tuổi. Như vậy giờ trồng thì phải tới con cháu, chút chít mới được hưởng", ông Cường nói đầy tiếc nuối.
Theo ông Cường, quy trình trồng một cây bóng mát ở thành phố phải mất ít nhất 10 năm. Cụ thể, sau khi lấy hạt cây rừng về, phải gieo trong vườn ươm tại Hà Nội xem có phù hợp với môi trường ngập nước hay không. Nếu sống được, sau 7-8 năm ở vườn ươm mới đem trồng thử ở đường phố, xem đường phố có thích hợp không. Sau đó thêm 2-3 năm mới trồng đại trà.
"Với cây mỡ, chắc chắn là không hợp. Cây này có thể sống 60-70 năm nhưng phải sống trên rừng, trên đất mẹ chứ không phải đất ngập nước ở Hà Nội. Người ta không hiểu được cây xanh và không hiểu được cây đó là cây gì nên mới vậy. Mỗi loài cây có tên khoa học riêng, chứ không thể gọi chung chung là vàng tâm được", ông Cường nói.
Nhà lâm nghiệp Lê Huy Cường gợi ý, Hà Nội nên trồng các cây như: sấu, dầu rái, sao đen, lát hoa... và nhiều cây cao to thẳng đẹp cho bóng mát khác.
Cần một hội thảo để chọn cây
Nói về lựa chọn của TP.Hà Nội, chuyên gia lâm nghiệp Đoàn Diễm cho rằng không ổn.
Theo ông Diễm, nếu trường hợp là trồng cây vàng tâm thật thì đây cũng là cây của rừng, không thể mang ra giữa thành phố trồng được. Gỗ vàng tâm quý ngang gỗ sưa, không cẩn thận có thể bị chặt trộm.
Cây vàng tâm là cây lớn rất chậm, sẽ rất lâu năm mới phủ bóng mát, có khi phải vài chục năm.
Đánh giá về đề án chặt hạ 6.700 cây xanh, ông Diễm cho rằng: "Cách làm của Hà Nội như này là không ổn. Người ta chỉ chặt cây rỗng mục, có nguy cơ nghiêng đổ thôi chứ không ai đốn đồng loạt rồi chặt cả cây to như vậy cả. Muốn biết cây sâu bệnh thì phải khoan, phải gõ. Có 30.000 cây mà chặt tới 6.700 cây như vậy thì không ổn. Trồng được một cây to có phải dễ đâu".
Trao đổi với VietNamNet, một kỹ sư lâm nghiệp (xin được giấu tên) cho rằng, thành phố cần phải công khai rõ xem tên khoa học của cây đã trồng là gì, vì tên gọi vàng tâm theo tên địa phương có thể chỉ 3-4 loài họ mộc lan (Magnoliaceae) có lõi gỗ màu vàng, trong đó có cả cây gỗ mỡ.
Những cây này có tán rất hạn chế, không thể làm cây bóng mát được.
"Ở những phố to nên trồng những cây có kích thước lớn họ dầu, phố nhỏ nên trồng các cây có hoa đẹp, tán vừa phải", kỹ sư này gợi ý.
"Làm gì thì làm cũng cần có trao đổi cho thống nhất. Nên có một hội thảo để chọn cây cho Hà Nội, vì đây là vấn đề quan trọng. Thủ đô có bao nhiêu nhà khoa học mà lại không hỏi. Ngày trước trồng cây ở đường Hùng Vương phải có hẳn một hội thảo các nhà khoa học, các nhà kiến trúc cùng phối hợp để chọn cây", vị kỹ sư nói.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn vàng tâm để thay thế là không hợp lý.
Cây vàng tâm thường mọc ở rừng sâu, nơi có độ cao 100 – 700m, ưa đất chua, lớn cực chậm và ưa khí lạnh.
"Theo tôi lựa chọn này là chưa hợp lý và chưa được thông qua các ý kiến chuyên gia, trong khi các nhà khoa học giỏi đều tập trung ở thủ đô. Nếu được nghiên cứu xem tuyến phố nào, trồng cây gì, chúng tôi tin các chuyên gia có đủ ý kiến, nhưng chúng tôi không được hỏi", GS Dũng nói.
Theo VietNamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Cột tin quảng cáo