Thị trường

Hà Nội và Hải Dương đẩy mạnh kết nối giao thương giải cứu vải thiều

(DNVN) - Hà Nội sẽ cho phép bán vải thiều ngay tại đường phố, trung tâm xã, phường. Thậm chí là yêu cầu các doanh nghiệp, trung tâm thương mại... trên địa bàn thành phố thu mua, tiêu thụ để giải cứu vải thiều của Hải Dương.

Thông tin trên được đưa tại Hội nghị "Xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ trái cây và các mặt hàng nông sản giữa TP Hà Nội và tỉnh Hải Dương” được tổ chức sáng ngày 5/6 tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau bàn bạc để đưa ra ý kiến thống nhất phương án giải cứu các mặt mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương, đặc biệt là mặt hàng vải thiều khi mà mùa vụ đang tới gần.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đang rất quan tâm đến việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ trái cây và các mặt hàng nông sản đối với các tỉnh thành và đặc biệt là vải thiều của tỉnh Hải Dương. Để đẩy mạnh việc này, Hà Nội sẽ thực hiện hai phương án để kết nối thị trường và mở cửa tiêu thụ quả vải thiều Hải Dương.

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại Hội Nghị.
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại Hội Nghị.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, đối với chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, Sở chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại Hải Dương vào các địa điểm thu mua. Sở cũng huy động các siêu thị lớn tại Hà Nội như BigC, Metro, Fivi Mart, Harpo… thu mua quả vải thiều của các DN phân phối từ Hải Dương để bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn
Ngoài hình thức phân phối truyền thống, Hà Nội sẽ cho phép các nhà phân phối vải của Hải Dương được mở hàng bán vải thiều tại các địa điểm như: trung tâm xã, phường, đường phố chính tại Hà Nội. Các địa điểm này đã được thống nhất giữa lãnh đạo hai Sở Công Thương Hà Nội và Hải Dương.
Cũng theo ông Thăng, để rút kinh nghiệm từ chiến dịch giải cứu dưa hấu Quảng Nam, chúng tôi sẽ bố trí các lực lượng quản lý thị trường, hướng dẫn các xe vận chuyển vải từ Hải Dương đến các địa điểm bán vải được phép của Hà Nội. Thậm chí là treo băng rôn trên các chuyến xe hỗ trợ tiêu thụ vải để thuận tiện cho quá trình vận chuyển.
Ngoài ra, các thông tin liên quan đến địa điểm, xe hàng và số lượng xe vải từ Hải Dương lên Hà Nội sẽ được hai Sở Công thương Hà Nội và Hải Dương liên kết qua các đường dây nóng giữa lãnh đạo Sở và các lực lượng quản lý thị trường.
Trong thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội sẽ chủ động với sở công thương tỉnh Hải Dương nắm bắt thông tin, tình hình thị trường; khả năng cung ứng các loại trái cây, nông sản, các doanh nghiệp kinh doanh, HTX, hộ sản xuất...của tỉnh Hải Dương và cung cấp nhu cầu của người dùng Thủ đô về mẫu mã, thị hiếu đối với các loại nông sản nhằm kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa. Thông báo danh sách các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị...của Hà Nội để các doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương có thế kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, sẽ có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị chợ Hà Nội...thu mua, tiêu thụ trái cây, nông sản của Hải Dương đưa vào thị trường Hà Nội tiêu thụ. 
Đại diện cho Bộ Công thương chia sẻ về vấn đề kết nối giao thương giữa Hà Nội và tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Nhu cầu của người tiêu dùng Hà Nội đối với quả vải nói riêng và các sản phẩm đặc thù là rất lớn song vẫn phụ thuộc rất lớn vào các kênh mua bán chợ truyền thống, chợ cóc ven đường. Các khâu bán hàng qua nhiều trung gian nên giá tăng và chất lượng không đảm bảo. 

Thứ Trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh chia sẻ tại Hội nghị.
Thứ Trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh chia sẻ tại Hội nghị.

"Hiện quả vải đã được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc tuy nhiên thị trường nội địa sẽ tiêu thụ khoảng 40% vải thiều. Chúng ta cần tập trung đưa những sản phẩm đặc thù, không chỉ quả vải mà còn nhiều đặc sản khác đến tận tay người tiêu dùng”, Thứ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ Công Thương, sản lượng vải cả nước năm 2015 ước tính khoảng 200.000 tấn, vải thiều tập trung lớn ở hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang. Trong năm 2014, thị trường tiêu thụ quả vải đã bị tắc nghẽn do phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc nhưng bị đối tác ngừng nhập khẩu. Trong năm 2015, quả vải đã được phép xuất khẩu đi một số quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định xuất khẩu vải Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Úc mới chỉ là thử nghiệm. 
Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết, mặt hàng vải thiều chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước và xuất sang Trung Quốc. Trong đó, lượng cung ứng ra các tỉnh ngoài (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...) bình quân khoảng 20.000 tấn; xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 20.000 tấn. Trong vụ thu hoạch năm 2015, vải thiều của Hải Dương dự kiến xuất khẩu sang Hàn Quốc, Hoa kỳ, Pháp... Lượng cấp đông xuất sang Hàn Quốc đạt 300-500 tấn/năm.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo