Thị trường

Nông sản được mùa nhưng mất giá vì thiếu hạ tầng đầu mối

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cho biết như vậy tại buổi tọa đàm trực tuyến về tiêu thụ - xuất khẩu nông sản diễn ra ngày 25/5 vừa qua.

Nguyên nhân nông sản được mùa nhưng vẫn mất giá
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh, thời gian qua chúng ta để điểm trắng lớn trong hệ thống hạ tầng, đặc biệt là chợ đầu mối, chợ lớn khiến luân chuyển hàng hóa không thuận lợi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện trượng được mùa, mất giá. Ngoài ra, việc thiếu hạ tầng còn khiến tổn thất sau thu hoạch rất lớn, làm giảm giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến nông sản Việt Nam mất giá là do  thiếu cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phân phối, như chợ, cửa hàng tiện lợi... chưa có điều kiện phát triển ở nông thôn. Đồng thời, hệ thống hạ tầng sau thu hoạch phát triển chưa tốt, nên chỉ có một số mặt hàng như gạo, cà phê có kho sau chế biến, nhưng chất lượng chưa cao nên việc tạm trữ chưa thuận lợi cho chế biến, xuất khẩu.
Đưa ra những giải pháp để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong thời gian qua bên cạnh đề án nghiên cứu phương thức tiêu thụ nông sản, đề án kết nối giữa địa phương để tạo sự liên kết giữa thương lái, hợp tác xã và nông dân đã có một số kết quả, Bộ Công Thương cũng triển khai cho các địa phương chương trình bình ổn giá, như kết nối hệ thống siêu thị, công ty thương mại với các vùng nông sản. Trên thực tế, hiện nay phương thức này đã mở ra ở 44 địa phương, không cần nguồn trợ giá của chính phủ nhưng đã thực hiện khá tốt như TP HCM, vùng Đông Nam Bộ. Đây là mô hình thuận lợi và có thể nhân rộng.
Nhưng quan trọng nhất là vẫn phải có biện pháp đồng bộ để tạo ra chuỗi giá trị và có doanh nghiệp tham gia. Chính doanh nghiệp là người kết nối giữa nông dân với thị trường và doanh nghiệp chính là động lực để nông dân cải thiện chất lượng sản phẩm.
Hiện nay yêu cầu của người dân rất cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách thức mua bán nên rất cần sự tham gia của doanh nghiệp, Như vậy, cần cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia quá trình phân phối.
Nông sản ùn ứ chủ yếu vẫn do chất lượng...
Cũng tại buổi tọa đàm, đánh giá về nguyên nhân ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu, ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường. Phát triển thị trường cần hiểu gồm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại và sự gia tăng nhu cầu tiềm năng với các sản phẩm nông nghiệp - đây là yếu tố quan trọng. Nên có tư duy đổi mới theo hướng như vậy.

 

 

Nông sản ùn ứ vẫn chủ yếu do chất lượng và thiếu thông tin.
Nông sản ùn ứ vẫn chủ yếu do chất lượng và thiếu thông tin.

"Điểm yếu cốt tử của nông sản Việt Nam là gì? Đó là chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.Câu chuyện này nói nhiều rồi nhưng khi ra thị trường, điểm yếu cốt tử này ngày càng bộc lộ sâu hơn, rõ hơn, không chỉ với mặt hàng thế mạnh như gạo, cao su, cà phê. Bức tranh về lượng đều nhất nhì nhưng về giá chỉ đứng ở thứ 7, 8 thậm chí thứ 10. Chính là ở chất lượng hàng nông sản", ông Ngọc nhận định.
"Ngoài việc phát hiện những vấn đề chung, cần có giải pháp tập trung tháo gỡ những vấn đề cốt lõi đó. Khi tháo gỡ được, sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất đáp ứng thị trường trong và ngoài nước nói riêng sẽ từng bước khắc phục được những yếu kém hiện nay", ông Ngọc cho biết thêm.
...và do thông tin về sản xuất tiêu thụ nông sản "kín như bưng"
Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng ùn ứ nông sản, được mùa mất giá của nông dân diễn ra thời gian qua là do thông tin kết nối từ sản xuất tới tiêu dùng chưa thông suốt.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, hệ thống thông tin dữ liệu phục vụ cho thị trường nông nghiệp có những bất cập. Thông tin sản xuất tiêu thụ sản phẩm của một số sản phẩm rất khó tìm kiếm. Nếu tìm những cây cung cấp đó từ phía nhà nước (sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tồn kho), số liệu này "kín như bưng". Đó là bất cập thứ nhất. Trong đó, các cơ quan nhà nước có đủ dữ liệu. Hiện cả 2 bộ đều có dữ liệu, nhưng chỉ phục vụ cho lãnh đạo, rất ít khi doanh nghiệp, người nông dân được tiếp cận chúng.
Có những thông tin ngay bản thân những doanh nghiệp nắm được nhưng lại không cung cấp ra đầy đủ cho nông dân. Những câu chuyện về bí mật thương mại tôi không nói nhưng đó cũng thể hiện bất cập.
Cũng theo ông Ngọc, cần nhìn lại vai trò của chính quyền địa phương. Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhiều đề án đã được các bộ ngành phê duyệt nhưng khi triển khai xuống địa phương lại bị ách tắc.
Muốn khắc phục được, cần nhiều phía để thông tin thị trường đến được với người dân, DN, cơ quan quản lý Nhà nước nắm được, điều hành theo đúng định hướng. Cần có sự phối kết hợp trong việc đưa thông tin ra thị trường, nếu không được giải quyết, những trục trặc này vẫn xảy ra.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến (Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối): vấn đề kết nối thông tin đã làm khá nhiều, ví dụ hầu hết các loại cây chủ lực của Việt Nam đều được ban hành về quy hoạch sản xuất và các quy hoạch đó đều luôn được gắn với yếu tố thị trường.Việc đứt đoạn thông tin có mấy vấn đề như: Quy hoạch gắn với thị trường thường bị đứt ở khâu cán bộ địa phương như Sở Nông nghiệp, UBND xã huyện không có kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người sản xuất. Do đó, các phòng ban trên Bộ hướng dẫn nhiều nhưng cũng khó đến được với người dân.
Ngoài ra, bản thân người dân có thói quen sản xuất theo tập quán chưa chú trọng tín hiệu thị trường, chưa để tâm đến tín hiệu thông tin mà cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp. "Thông tin hai bên vẫn không gặp nhau ở chỗ cơ quan quản lý Nhà nước không thể phủ sóng ở khắp mọi nơi và người sản xuất chưa đủ nhạy bén để thu thập những thông tin đó"- ông Dũng nói.
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, phải xác định loại đối tượng, từng loại thông tin cần thiết để cung cấp, như thông tin dành cho điều hành, xúc tiến thương mại, cho ngành hàng, nông dân sẽ khác. Do đó, phải có sự kết nối trong việc xác định và cung cấp thông tin cho hiệu quả. Cuối cùng, quan trọng nhất là phải tính đến một cơ chế sao cho có vai trò của DN, vừa là người khai thác, vừa là người đặt hàng thông tin.
Có ý kiến cho rằng nên lập một website hiển thị dữ liệu nông sản cả nước, cây gì đã trồng, sản lượng bao nhiêu và lượng cầu cần khoảng bao nhiêu. Thông tin này sẽ được cán bộ tại từng địa phương thu thập và nhập vào để người nông dân có thể tham khảo, từ đó người nông dân biết được cây gì đã có đủ cung và tránh được điệp khúc cung vượt cầu.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng đây ý tưởng hay nhưng để khả thi, cơ quan quản lý sẽ bàn thêm. Theo Thứ trưởng, ngoài cơ quan quản lý cần có vai trò của đơn vị xúc tiến thương mại và hội ngành hàng tham gia.
Hiện tại Bộ và các cơ quan quản lý đều có bộ phận dữ liệu thông tin, nhưng hướng vào việc phục vụ cho từng đối tượng cụ thể thì cần có đề án, và cần sự tham gia của DN. Trong nhiều yếu tố, DN chính là động lực tốt nhất để thúc đẩy việc tiếp cận mọi thông tin đến thị trường.

 

Thông tin thị về trường nông sản Việt Nam cũng như tình hình phân phối, xuất nhập khẩu những tháng vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh cho biết, 4 tháng đầu năm đã có một số khó khăn trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng chủ đạo như gạo, cao su, sắn... sụt giảm về kim ngạch và sản lượng. Đối với xuất khẩu Việt Nam, ngoài xuất khẩu qua chính ngạch thì còn có hiện tượng nóng là ùn tắc tại cửa khẩu dưa hấu, thanh long, gạo và các hàng hóa khác.Mặc dù có sự sụt giảm về quy mô, tuy nhiên, cơ bản trong 4 tháng đầu năm, các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam về cơ bản vẫn giữ ở tương đối, nói tương đối vì so với các nguồn cung khác tương đối cân bằng. Ngoài ra, các sản phẩm chính của chúng ta vẫn giữ được thị trường, tạo tiền đề cho các tháng tiếp theo.Xuất khẩu chính ngạch vẫn là kênh cơ bản giúp tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam. Còn các hiện tượng ách tắc cơ bản như dưa hấu, thanh long chỉ là hiện tượng cục bộ, vì đây là hoa quả theo mùa vụ, chưa có quy hoạch, ngoài ra còn do tập quán và thói quen của các thương nhân nên không chủ động được, dẫn đến năng lực thông quan của các cơ quan ở biên giới vượt quá thực tế. Thời gian qua đã có chỉ đạo của các bộ ngành để giải quyết các ùn tắc đó.
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản có sụt giảm 6,4% so với cùng kỳ 2014, một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn quốc đều có sự sụt giảm, riêng Trung Quốc tăng 3,7%. Tuy sụt giảm, nhưng cơ bản các lượng hàng cần tiêu thụ trong thị trường đều có hướng giải quyết.
Chúng ta cần nhìn nhận là năm 2014 là năm thành công với xuất khẩu nông sản tăng 10%, các mặt hàng của chúng ta đặt được bước tới hạn. Đây là nguyên nhân khiến trong 4 tháng đầu năm có sự sụt giảm tương đối.
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo