Hà Nội:Xin xây mới nhưng không trả đất vàng nội đô
Xin xây mới nhưng không muốn trả đất vàng trụ sở cũ
Dù ùn tắc tại Hà Nội đã giảm từ 50 - 70% so với 5 năm trước nhưng áp lực lên giao thông vẫn vô cùng lớn, khi hàng loạt bệnh viện, trường học, trụ sở chậm di dời khỏi thành phố, nếu không muốn nói là chây ì.
Một số đơn vị, bệnh viện, trường học đã được đầu tư xây dựng bên ngoài khu trung tâm nhưng lại vẫn mở rộng các cơ sở bên trong nội thành.
Chủ trương khắc phục, giảm tải ùn tắc giao thông mặc dù đã được lên kế hoạch và rục rịch thực hiện từ rất lâu. Ngay cả Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã quyết tâm chỉ đạo Hà Nội phải triển khai các giải pháp mang tính đột phá trên tinh thần "giải quyết bằng được các điểm nghẽn, điểm ùn tắc về giao thông".
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo phải thực hiện bằng được việc di dời các trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính Nhà nước. Quỹ đất sau khi di dời phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh... nhưng cho tới nay hầu như không đạt được hiệu quả.
Thừa nhận thực tế này, ông Phan Đăng Long - Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: "Hầu hết các ngành tại Hà Nội sau khi đã di dời trụ sở đều không muốn bàn giao lại trụ sở cũ". Đó cũng chính là lý do, cho tới nay Hà Nội vẫn chưa thể giải quyết được vấn nạn ùn tắc, đông đúc, cảnh quan nhếch nhác trong khu vực nội đô.
Bộ xây dựng tiết kiệm không xây trụ sở mới
Mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị với Chính phủ không triển khai xây trụ sở mới của Bộ. Thay vào đó sẽ cho tiến hành cải tạo, sửa chữa lại để tiếp tục sử dụng. Quyết định này được đánh giá là “thức thời” trong hoàn cảnh nguồn ngân sách đang eo hẹp.
Theo tính toán của Bộ trưởng Dũng, nếu xây mới trụ sở sẽ mất vài nghìn tỉ đồng trong khi trụ sở cũ chỉ cần bỏ ra khoảng 100 tỷ để cải tạo, sửa chữa lại thì vẫn dùng được trong một vài chục năm nữa.
Mặc dù, từ năm 2011, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ này được di dời và xây trụ sở mới của Bộ đến khu Tây Hồ Tây, với tổng diện tích dự kiến khoảng 2 - 3 ha. Theo tính toán, nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới gồm: Tiền đấu giá quyền sử dụng khu đất và trụ sở làm việc cũ tại 37 Lê Đại Hành - Hai Bà Trưng - Thành phố Hà Nội; Nguồn vốn bổ sung từ ngân sách.
Ngoài việc dừng xây dựng trụ sở mới, ông Dũng cho biết cũng sẽ rà soát toàn bộ đơn vị trực thuộc để thực hiện nghiêm việc đảm bảo không lãng phí cơ sở vật chất.
Nghĩa là, Bộ Xây dựng vẫn dùng trụ sở cũ, xin thêm ngân sách để sửa chữa trụ sở cũ, vừa được tiếng tiết kiệm vài ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước lại vừa có cả trụ sở mới và cũ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo