Hà Tĩnh: Tránh nắng như thiêu đốt, nông dân ra đồng lúc nửa đêm
Gần 1 tuần nay, Hà Tĩnh không có mưa và nền nhiệt độ vào ban ngày luôn trên 40 độ C. Đây được xem là một trong những đợt nắng nóng nhất từ nhiều năm nay.
Để tránh cái nắng cháy da, cháy thịt, nhiều người nông dân ở Hà Tĩnh đã thay đổi phương án sản xuất theo kiểu “ngủ ngày cày đêm”.
Cứ khoảng 19h tối khi mặt trời lặn thì cũng là lúc những người nông dân ra đồng cấy lúa.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) chia sẻ, việc chuyển sang sản xuất về đêm cũng nhiều khó khăn nhưng lại tránh được nắng nóng.
“Năm nay có thể nói là nắng nóng nhất từ nhiều năm trở lại đây. Buổi ngày đa phần người dân chúng tôi ở trong nhà. Để vừa tránh được cái nắng vừa đảm bảo kịp thời vụ nên chúng tôi tiến hành sản xuất vào ban đêm. Một là dậy từ 4h sáng ra đồng làm việc đến 7h sáng thì về. Buổi tối thì ra đồng từ 19h đến 23h đêm”, chị Hoa nói.
Việc thay đổi thời gian lao động không những không ảnh hưởng đến mùa màng mà tạo thêm một không khí khá vui vẻ, thú vị.
“Về ban đêm nhiệt độ rất mát mẻ. Ngoài đồng có đông người cùng sản xuất nên khá thú vị”, anh Trần Bá Huân (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) vui vẻ nói.
Cũng giống như ở miền xuôi, thì gần 1 tuần nay ở các vùng miền núi như huyện Hương Khê, Vũ Quang …những người nông dân cũng đang phải gồng mình giải cứu cây trồng trước đợt nắng nóng này.
Nhiều diện tích cây trồng của người dân như chè, cam, bưởi… đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Hữu Thắng ở xã Hương Trà (huyện Hương Khê) lo lắng: “Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thêm vài ngày nữa thì nhiều cây trồng nhất là cây chè sẽ có nguy cơ bị chết”.
“Ngoài hệ thống giàn tưới tự động, chúng tôi còn phải trang bị thêm máy bơm công suất lớn để chống hạn cho cây chè”, anh Thắng cho biết thêm.
Ngày 5/7, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) cho biết đợt nắng nóng mấy ngày vừa qua đã khiến hơn 200 ha lúa chủ yếu ở các huyện Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà... bị thiếu nước cục bộ. Nhiều diện tích cây trồng, cây ăn trái ở các huyện Vũ Quang, Hương Khê… cũng bắt đầu bị héo.
“Trong thời điểm này người dân cần phải tận dụng các nguồn nước để bổ sung kịp thời cho các diện tích lúa. Còn đối với cây ăn trái và cây trồng cạn thì phải vun gốc và cũng phải tiến hành tưới để bổ sung nước”, ông Hà nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam