Hạ trần lãi suất gửi đôla nhằm nâng cao sức hấp dẫn của tiền Đồng
Vào tối muộn ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo điều chỉnh lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm. Đồng thời, áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/9/2015 và thay thế Quyết định số 2172/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.
Ngày 29/9, lý giải về quyết định có phần bất ngờ này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình chỉ đạo điều hành chính sách, NHNN đã luôn quán triệt phương châm nâng cao vị thế của VND và thực hiện từng bước việc hạn chế đôla hóa theo chủ trương của Chính phủ.
Theo đó, những năm qua, NHNN đã giảm dần trần lãi suất huy động ngoại tệ xuống còn 0,25%/năm áp dụng đối với tổ chức và 0,75%/năm áp dụng đối với cá nhân. Với cách thức điều hành này, cùng với sự phối hợp đồng bộ các giải pháp công cụ về tiền tệ và ngoại hối đã đem lại sự ổn định cho thị trường tiền tệ và ngoại hối trong những năm qua.
Thời gian qua, mặc dù trên thị trường tiền tệ và ngoại hối có biến động nhưng về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện găm giữ ngoại tệ.
"Chính vì thế, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ về 0%/năm áp dụng với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng với cá nhân kể từ ngày 28/9. Giải pháp này sẽ giúp cho việc nâng cao sức hấp dẫn của VND và từ đó hạn chế tình trạng đôla hóa theo đúng phương châm điều hành mà NHNN đã đề ra", bà Hồng cho hay.
Tiết lộ thêm về tình trạng thanh khoản ngoại tệ của các TCTD hiện nay, nữ Phó Thống đốc cho biết, thanh khoản ngoại tệ của TCTD hiện nay về cơ bản trong tình trạng ổn định. Nếu tính tỷ lệ tín dụng/huy động ngoại tệ của thị trường 1 trong nước vào khoảng 80%. Mức này giảm hơn nhiều so với mức trên 100% trong giai đoạn 2011-2012. Nếu tính cả nguồn vốn vay nước ngoài của hệ thống các TCTD thì tỷ lệ tín dụng/huy động ngoại tệ chỉ khoảng 60%.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, NHNN sẽ bám sát những diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước, quốc tế để có các giải pháp điều hành đồng bộ, nhằm đạt được mục tiêu đề ra đó là: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Trước đó, vào ngày hôm qua, nhận định về việc hạ trần lãi suất USD của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng ANZ cho rằng, động thái này chỉ thuần túy là một biện pháp kỹ thuật nhằm chống đô la hóa.
ANZ cũng cho biết, tỷ giá USD/VND vẫn ở gần mức trần trong khoảng 21.233 – 22.547 VND đổi 1 USD mà NHNN quy định kể từ khi NHNN bất ngờ nâng tỷ giá và nới biên độ giao dịch hồi tháng 8.
Mặc dù đã giảm gần 5% kể từ đầu năm đến nay, VND vẫn là một trong những đồng tiền linh hoạt nhất trong khu vực nhờ sự hỗ trợ của hoạt động xuất khẩu. Việt Nam là quốc gia duy nhất tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong khi xuất khẩu của các nước trong khu vực suy giảm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước