Thị trường

Hai cách giải nợ xấu

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, người có nhiều năm theo dõi, nghiên cứu thị trường tài chính ở Mỹ và Việt Nam, có thể để các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu hoặc Nhà nước đứng ra làm.

 

* Theo ông, Ngân hàng Nhà nước công bố nợ xấu là 202.000 tỉ đồng. Tác động của nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào?

- Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tình trạng nợ xấu đang làm cả nền kinh tế - tài chính của Việt Nam tắc nghẽn, trì trệ. Dù sức mua suy giảm, hàng tồn kho tăng, lãng phí đầu tư công, tác động của khủng hoảng trên thế giới  là những yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu gây ra khó khăn cho nền kinh tế nhưng nợ xấu là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Nợ xấu nếu không được giải quyết mà cứ tăng lên mỗi ngày sẽ dần dần gây tê liệt nền kinh tế.

 

 

TS Nguyễn Trí Hiếu.

* Nên giải quyết nợ xấu ở tầm quốc gia hay để các ngân hàng thương mại tự lo?


- Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và có thể đã trình đề án lập công ty mua bán nợ với số tiền khoảng 5 tỉ USD (hơn 100.000 tỉ đồng) nhưng chưa thấy Chính phủ thông báo về đề án này... Tôi cho rằng đến lúc Quốc hội phải ra quyết sách về vấn đề này vì Chính phủ thừa hành các chính sách của Quốc hội. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nợ xấu dưới kế hoạch và sự giám sát của Quốc hội.
 
Có 2 phương án xử lý nợ xấu: để các ngân hàng thương mại tự giải quyết hoặc xử lý ở tầm vĩ mô có bàn tay của Nhà nước. Hiện giờ các ngân hàng đã và đang giải quyết nợ xấu nhưng vốn điều lệ có hạn, khả năng thu hồi nợ có hạn trong khi nợ xấu đã là con số khổng lồ vượt ngoài năng lực xử lý nợ của hệ thống ngân hàng.

* Nợ xấu từ các công ty sân sau của ngân hàng thương mại chiếm tỉ lệ không ít, phải chăng đây là “rào cản” khiến các ngân hàng khó xử lý?

- Đúng vậy. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đến từ 3 nhóm chính là nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước, công ty sân sau của ngân hàng và lĩnh vực bất động sản. Đối với nợ xấu từ các công ty sân sau rất khó xử lý bởi các ngân hàng không dại gì đem “con” của mình ra xử nên nợ xấu khu vực này ngân hàng khó mà tự xử lý được. Và nếu để ngân hàng tự xử lý nợ xấu sẽ kéo dài trong 3-5 năm với rủi ro gây ra khủng hoảng tài chính lớn nếu không thực hiện được.

* Vậy nhất thiết phải xử lý nợ xấu ở tầm quốc gia?

- Tôi cho đây là giải pháp hiệu quả nhất lúc này vì các nước cũng làm tương tự. Khi thành lập công ty mua bán nợ quốc gia sẽ phát sinh 3 vấn đề: Ai giải quyết việc này, tiền ở đâu ra và liệu việc xử lý có đem lại hiệu quả như mong muốn? Trước hết, có thể thành lập công ty mua bán nợ quốc gia hoặc phát triển từ đơn vị có sẵn là Công ty Mua bán nợ và Xử lý tài sản tồn đọng (DATC) của Bộ Tài chính hoặc như vài đại biểu Quốc hội đề xuất lập ủy ban tái cơ cấu và xử lý nợ.
 
Dù là đơn vị nào, đây cũng phải là cơ quan có thẩm quyền quyết định sau cùng, có quy chế được Quốc hội ban hành, có thẩm quyền quyết định, có nghị định riêng trong xử lý nợ xấu… Cơ quan này cần sự tham gia của nhiều thành phần như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các chuyên gia tài chính, công ty tư vấn thẩm định tài sản, công ty kiểm toán độc lập trong và ngoài nước…

*
Nhiều ý kiến không đồng tình việc dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu của các ngân hàng, vậy tiền lập công ty mua bán nợ quốc gia nên lấy ở đâu?


- Người dân phản đối vì có lý của họ. Họ sợ móc hầu bao của mình trả cho sự “vung tay quá trán” của các ngân hàng khi cho vay những năm trước. Nhưng chúng ta phải hiểu: Giải quyết nợ xấu là trách nhiệm chung để cứu nền kinh tế. Với khoảng 100.000 tỉ đồng xử lý nợ xấu, ít nhất 50% phải lấy từ ngân sách quốc gia, 20%-30% là đóng góp của các ngân hàng thương mại, phần còn lại nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ngân hàng nước ngoài…
 
Các ngân hàng nước ngoài khá mặn mà hỗ trợ Việt Nam xử lý nợ xấu vì họ nhìn thấy lợi ích trong tương lai và tiềm năng làm ăn nếu họ hỗ trợ Việt Nam giải quyết nợ xấu trong lúc này. Tuy nhiên, phải nói rõ với nhau về sự minh bạch, kiên quyết chống tham nhũng, lợi ích nhóm và cơ chế “xin - cho” trong quá trình xử lý mới tạo được niềm tin.

 

Phải lường trước những rủi ro


Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, quá trình xử lý nợ xấu cũng có thể gặp rủi ro. Rủi ro có thể đến từ phía đơn vị xử lý nợ khi làm việc không hiệu quả nên cần một quy chế, kế hoạch xử lý nợ bài bản ngay từ đầu. Trong quá trình xử lý nợ sẽ phát hiện ra những khoản nợ xấu, nợ khó thu hồi… gây thiệt hại cho ngân hàng.
 
Lúc này, ngoài khoản ngân sách đóng góp vào công ty mua bán nợ, Nhà nước cần chuẩn bị tái cấp vốn cho các ngân hàng. Xử lý nợ xấu cũng có thể khiến một số ngân hàng bị mất vốn hoàn toàn, phải đóng cửa, phá sản nên Nhà nước cần lường trước để có giải pháp xử lý... Tuy nhiên, phần thưởng nhận được sau những giải pháp thành công này sẽ là nền kinh tế lành mạnh, hệ thống ngân hàng được khơi thông.


 

 

Đoàn Huế (Theo NLĐ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo