Tin tức - Sự kiện

Hai dự án giao thông, thất thoát 124 tỷ đồng

(DNHN)- Trong khi Bộ Giao thông Vận tải đang vận động thu từng đồng của người tham gia giao thông cho quỹ bảo trì đường bộ, chỉ qua hai công trình giao thông, thanh tra xây dựng phát hiện hàng trăm tỷ đồng bị thất thoát

Sau rất nhiều tranh cãi về thẩm quyền và những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước khác, cuối cùng Thanh tra Bộ xây dựng vẫn ban hành bản kết luận mà qua đó phát hiện nhà nước bị thiệt hại hàng trăm tỷ  đồng  từ hai dự án của Bộ Giao thông Vận tải.

 

Kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng liên quan công tác quản lý dự đầu tư xây dựng của Ban Quản lý dự án 1, thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, cơ quan thanh tra của ngành xây dựng  kết luận hơn 124 tỷ đồng đã bị tính toán sai sau khi tiến hành thanh tra về công tác xây dựng cơ bản tại các dự án cải tạo quốc lộ 12 và mở rộng quốc lộ 1 đoạn Mỹ Thuận-  Cần Thơ.  Hơn một trăm hai mươi bốn tỷ đồng  sai phạm này là do tính toán không đúng quy định của nhà nước. “Từ khâu lập, thẩm định và phê duyệt dự toán không đúng là nguyên nhân gây thất thoát vốn trong đầu tư xây dựng”, Thanh tra Bộ Xây dựng ghi trong kết luận.

 

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu thu hồi số tiền lãi do đã thanh toán trước cho các nhà thầu khi chưa thi công tại dự án quốc lộ 12 A với số tiền lên đến hơn 800 triệu đồng.

 

Đối với kinh phí thanh toán đảm bảo giao thông và kinh phí đào đất, đào đá nền đường, Ban quản lý dự án 1 cũng phải rà soát, tính toán  lại theo thực tế để tiến hành điều chỉnh kinh phí thanh toán. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án 1 phải tiến hành lập, thẩm định và trình duyệt lại giá thầu dự án  mở rộng quốc lộ 1 Đoạn Mỹ Thận- Cần Thơ.

 

Bộ Giao thông Vận tải cũng phải chị đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án 1 lập, thẩm định và phê duyệt lại dự toán giá gói thầu, đảm bảo đúng giá trị thực của các gói thầu . 

 

Đánh giá về công tác quản lý của Ban Quản lý dự án 1, Thanh tra xây dựng cho rằng còn rất nhiều thiếu sót, sơ hở, tùy tiện. Thậm chí còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm gây thất thoát vốn đầu tư. “Thể hiện qua công tác lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán chi phí xây dựng, lựa chọn nhà thầu không tuân thủ các quy định của pháp luật làm lãng phí và thất thoát rất lớn vốn nhà nước”, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng.

 

Kết luận thanh tra cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tổ chức kiểm điểm  đối với chủ đầu tư, các tổ chức cá nhân liên quan đến sai phạm trong công tác khảo sát, thiết kế cũng như lập, thẩm định và phê duyệt dự toán. Riêng Ban Quản lý dụ án 1, kết luận nêu rõ ngoài việc kiểm điểm trách nhiệm, cũng phải có hình thức kỷ luật tương xứng từ tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc và tổng giám đốc phụ trách các dự án quốc lộ 12, dự án quốc lộ 1.

 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng phải tổ chức kiểm điểm và xử lý các bộ phận chức năng và các cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm trong công tác thẩm định và phê duyệt giá thầu.

 

Đặc biệt, kết luận thanh tra của thanh tra Bộ Xây dựng có những nội dung đáng chú hơn nhiều so với số tiền thất thoát và mặc dù, số tiền thất thoát hàng trăm tỷ không phải là nhỏ nếu so với nỗ lực của Bộ Giao thông Vận  tải trong việc đi thu từng trăm một của người tham gia giao thông.

 

Không phải vô cớ kết luận thanh tra do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Nam Khánh ký lại yêu cầu ngành giao thông tiến hành kiểm tra, giám sát lại toàn diện các dự án do Ban Quản lý dự án 1 điều hành để chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Đặc biệt cần củng cố và nâng cao trách nhiệm, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của lãnh đạo, cán bộ Ban Quản lý dự án 1 trước khi giao tiếp các nhiệm vụ làm chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư các dự án tiếp theo.

 

Đằng sau những việc giám sát, trách nhiệm hay ý thức tôn trọng kỷ luật,… là cả một lỗ hổng về cơ chế cũng như những bất cập trong công tác quản lý của một ngành mà những dự án của nó có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nếu không bịt hết những lỗ hổng đó, những đóng góp của người dân tới đây dù mỗi người chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng cũng khó đem lại hiệu  quả mà lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng.  Chúng tôi sẽ đề cập sâu vấn đề này trong loạt bài khác, ở đây chỉ xin trích lại một đoạn kết luận của thanh tra xây dựng để thấy công tác quản lý xây dựng cơ bản của ngành giao thông đã đến lúc phải đổi mới, để các PUMU không còn là chỗ “dễ làm rơi” hàng trăm tỷ đồng của nhà nước một cách nhẹ nhàng.

 

Đó là, “Cần nghiên cứu mô hình của các ban quản lý dự án, nên tổ chức các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo khu vực, khắc phục mô hình quản lý các dự án cách xa trụ sở ban quản lý dự án ”.

 

Nam San

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo