Hai em gái lãnh án "bị hiếp dâm" vì anh trai phạm tội bỏ trốn
Tờ Telegraph ngày 18/8 đưa tin cô Meenakshi Kumari, 23 tuổi và em gái 15 tuổi sẽ bị hiếp dâm và bị sơn vào mặt sau đó đi diễu khắp các con đường của ngôi làng ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) trong tình trạng không mảnh vải che vì anh trai cả của họ đã bỏ trốn cùng vợ của một người đàn ông khác.
Bản án vô nhân đạo trên đã được đưa ra bởi một hội đồng địa phương tại tỉnh Baghpat, bang Uttar Pradesh - một nơi cách thủ đô New Delhi, Ấn Độ chỉ 45 km về phía bắc. Hội đồng này bao gồm 30 thành viên toàn bộ là nam giới và được thành lập không qua bất cứ cuộc bỏ phiếu nào.
Trước đó, anh trai của Meenakshi là Ravi Kumari đã yêu một cô gái và cùng cô này bỏ trốn vào tháng 3 vừa qua sau khi tình yêu của hai người bị gia đình phản đối.
Được biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự phản đối trên là do dòng họ Kumari thuộc tầng lớp Dalits - tầng lớp hạ lưu của xã hội Ấn Độ, trong khi cô gái lại thuộc dòng họ Jat - một dòng họ danh giá và có ảnh hưởng lớn tại ngôi làng mà họ đang sinh sống. Ngoài ra, dòng họ Jat cũng rất có tiếng nói trong hội đồng địa phương đã kết án hai chị em Meenakshi.
Sau khi bản án trên được đưa ra, hai chị em Meenakshi đã kịp thời bỏ chạy đến thủ đô New Delhi trước khi “bản án” được thi hành. Tuy nhiên, gia đình của họ vẫn tiếp tục bị quấy rối và cướp phá bởi người dân địa phương.
Hiện tại, gia đình của hai chị em Meenakshi đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Tối cao Ấn Độ để được bảo vệ trước kiểu xét xử theo “luật rừng” của hội đồng làng này. Bản kiến nghị trên hiện đã nhận được trên 30 nghìn chữ ký ủng hộ.
Hội đồng địa phương (hay còn gọi là Khap panchayats) là một mô hình phổ biến tại Ấn Độ, nhất là ở các vùng xa xôi, hẻo lánh. Theo đó, những người đàn ông lớn tuổi từ các dòng họ có thế lực sẽ tụ họp lại để đưa ra các luật lệ bên trong ngôi làng cũng như có quyền xử phạt những người phạm lỗi.
Những bản án được đưa ra bởi những hội đồng này không được pháp luật Ấn Độ công nhận, và tòa án tối cao Ấn Độ đã miêu tả chúng là “những bản án nhố nhăng”.
Tuy vậy, những hội đồng địa phương vẫn đã và đang tiếp tục tồn tại ở nhiều bang trên đất nước Ấn Độ và những bản án vô nhân đạo vẫn được đưa ra thực thi mà không bị ngăn cản, thậm chí còn nhận được sự giúp đỡ từ cảnh sát địa phương.
Bà Rachel Alcock, đại diện của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Hiếp dâm là phạm tội, chứ không phải là biện pháp trừng phạt. Bản án ghê tởm như thế này sẽ kích ngòi làn sóng phản đối trên toàn cầu. Tòa án Tối cao Ấn Độ có quyền tuyên bố những bản án như thế này là phạm pháp. Chính quyền bang Uttar Pradesh cần phải bảo vệ cho gia đình hai chị em gái này”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo