Thị trường

Hai kỷ lục về kinh tế Việt Nam trong vòng 48 giờ

Những dư âm từ thắng lợi của thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco còn chưa kịp lắng xuống thì ngày hôm qua, một con số “gây sửng sốt” về xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam đã được công bố tại trụ sở Tổng cục Hải quan, đó là kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 400 tỷ USD.

Ngày 12/12/2017, hệ thống hải quan đã ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Con số này đã được công bố tại “Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD” diễn ra tại Tổng cục Hải quan chiều qua (19/12) với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và nhiều đại diện bộ, ban, ngành.

Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua, chúng ta không thể không nhận ra bước tiến vô cùng mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong năm 2017.

Năm 2001, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước mới chỉ ở con số khiêm tốn 30 tỷ USD. Sau 6 năm (tới năm 2007), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bốn năm sau (năm 2011) quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (năm 2015).

Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 02 năm tiếp theo (khoảng giữa tháng 12 năm 2017), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức 400 tỷ USD, đặc biệt xuất khẩu hàng hoá đã vượt mốc 200 tỷ USD, đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2017. Như vậy, tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần.

Theo Tổng cục Hải quan, dự kiến tới hết năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước sẽ đạt mức 410 tỷ USD. Nhờ đó mà thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26, ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.

Kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 400 tỷ USD. (Nguồn: Internet).

Thời gian qua, quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ là quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi...là đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu, tăng cường xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, dịch vụ du lịch, trong đó tập trung vào các mặt hàng và thị trường trọng điểm…

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sâu sát và có nhiều chỉ đạo cụ thể, kịp thời trong công tác xuất nhập khẩu, bao gồm cả việc yêu cầu các cơ quan chức năng bãi bỏ các thủ tục, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu cũng như quảng bá hàng hoá Việt Nam ra nước ngoài.

Và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan chức năng đã tận dụng tối đa cơ hội tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng cho hay, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến công tác luôn quan tâm quảng cáo nông sản cho đất nước . “Và Thủ tướng cũng rất quan tâm, khi Thủ tướng bàn việc với Thủ tướng Nhật Bản thì nếu họ đưa cho ta táo, ta đưa cho họ thanh long. Với Mỹ cũng vậy… Chính phủ, các bộ sẽ phối hợp đánh giá, làm tốt hơn để tìm kiếm thị trường cho nông sản Việt”.

Chính vì vậy, nhìn nhận về dấu mốc kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt được đến ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, “đó là thành tích của cả nước, sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, mỗi người nông dân, ngành hải quan. Con số này cũng đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước coi xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế ”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Thành Chung.

Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 400 tỷ USD - Có thể nói đây là con số đáng tự hào, một dấu mốc vô cùng quan trọng, hay nói đúng hơn là một “kỳ tích” trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn và biến động khó lường, dù rằng, sắp tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc xác định các sản phẩm xuất khẩu lợi thế. Làm thế nào để tận dụng những lợi thế về nông nghiệp là vấn đề đang đặt ra cần giải quyết?

 

Và càng vui hơn khi chỉ trước đó một ngày, thành công hơn mong đợi của thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco, mang về cho ngân sách 110.000 tỷ đồng đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận trong và ngoài nước. Trong bối cảnh tiến trình cổ phần hoá còn đang phần nào chậm trễ so với kế hoạch đề ra, thậm chí không tránh khỏi những nghi kị, giục giã... thì thành công trong thoái vốn nhà nước tại Sabeco được nhận định là một “cú hích” lớn, là tiền đề để tiếp tục kỳ vọng vào kết quả của các thương vụ tiếp theo trong công tác cổ phần hoá.

Cần phải nói rằng, quá trình bán vốn nhà nước tại Sabeco đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hết sức chặt chẽ từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngày 29/8/2016, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại Sabeco và nhiều doanh nghiệp lớn khác. Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh các nguyên tắc, quan điểm trong quá trình bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nói trên và trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước nói chung.

Và quan trọng hơn nữa là từ câu chuyện bán cổ phần Sabeco đã cho thấy sự quyết tâm đồng lòng của Chính phủ và các Bộ ngành, trong đó có sự nỗ lực của Bộ Công Thương. Và công tác cổ phần hoá, nếu như luôn có sự đồng thuận như thế này thì chắc chắn sắp tới sẽ có nhiều cổ phần doanh nghiệp nữa được bán với giá cao theo đúng lộ trình mà Chính phủ kỳ vọng.

Quá trình bán vốn nhà nước tại Sabeco đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hết sức chặt chẽ từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Nguồn: Internet).

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, năm 2017 là một năm khá bận rộn và thành công của kinh tế Việt Nam. Các mục tiêu kinh tế đều đạt được, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng. Dù còn nhiều lĩnh vực cải thiện chưa rõ nét nhưng những kết quả đạt được đã cho thấy những nỗ lực vượt trội của Chính phủ, sự đồng thuận trong công tác điều hành của các bộ ngành. Và kết quả đạt được từ những nỗ lực đó đã được thể hiện ở bức tranh kinh tế 2017 nhiều gam màu sáng, trong đó có sự góp phần của lĩnh vực xuất nhập khẩu…

Hay về lĩnh vực cổ phần hoá, dù còn chưa đạt như mong muốn nhưng với thành công của Sabeco trong những ngày cuối cùng của năm 2017, nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó có ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã nhận định phiên đấu giá Sabeco là phiên đấu giá lịch sử, là bài học để bán vốn Nhà nước được giá nhất.

 

Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam không chỉ được nhìn nhận và đánh giá cao bởi những chuyên gia trong nước mà cả những chuyên gia nước ngoài, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội, đã khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã nhất quán thực hiện quan điểm không thực hiện tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường, cũng như bất ổn kinh tế vĩ mô để lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng phát triển. Chính phủ luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững lên hàng đầu.

Đặc biệt, cách tiếp cận về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Chính phủ là nỗ lực tối đa khơi dậy tiềm năng, tận dụng cơ hội để tăng trưởng ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, không dựa vào một ngành, một lĩnh vực, một vài dự án hay một vài doanh nghiệp nào đó; tất cả đều phải đóng góp vào tăng trưởng trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô..., qua đó tạo sức lan tỏa để cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành với Chính phủ, các cấp chính quyền.

Nên đọc
Theo Tổ Quốc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo