Thị trường

Hai nhà máy vàng ở Quảng Nam đóng cửa vì nợ thuế: Hệ lụy địa phương gánh chịu

Trong khi Tập đoàn Besra VN đóng cửa 2 nhà máy (NM) vàng tại tỉnh Quảng Nam vì nợ gần 300 tỉ đồng tiền thuế, thì cũng đồng thời mở ra những khoảng tối trong suốt quá trình hoạt động của họ. Đáng nói, hậu quả từ sự làm ăn bê bối đó là địa phương và cả ngàn công nhân phải gánh chịu.
Các nhà máy vàng của Besra lấy đi hàng tấn vàng nhưng để hệ lụy cho địa phương.
 
Hoang báo tin cướp
 
Ngày 28.7, chỉ vài ngày sau khi tuyên bố đóng cửa 2 NM vàng Phước Sơn và Bồng Miêu, đại diện Tập đoàn Besra VN thông báo, đã bị “sốc” khi hơn trăm người dân địa phương ùa vào cướp tài sản của Cty vàng Phước Sơn tại kho vật tư nằm bên cạnh khách sạn Quảng An, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn. Theo đại diện DN, chiều 26.7, hơn 100 người dân địa phương sử dụng xe máy, xe bò để chở hơn 15.000 khay sắt đựng mẫu đá quặng thăm dò (trị giá 250.000 đồng/khay) cùng với khung sắt kê mẫu, máy vẽ sơ đồ địa chất... ra khỏi kho. Theo Cty TNHH vàng Phước Sơn, tổn thất sau vụ việc lên đến hàng tỉ đồng.
 
Ông Hoàng Hoa - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND huyện Phước Sơn - cho rằng, không hề có vụ “cướp giật” tại kho vật tư, mà là do một số người dân ở khối 1 thị trấn Khâm Đức sau khi nghe tin Cty ngừng hoạt động, thấy các vật dụng (để ở bãi phế liệu ngoài trời) không ai quản lý nên đã vào lấy để bán phế liệu. Ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết, UBND huyện và CA huyện đến chiều 29.7 chưa nhận được báo cáo nào của Cty vàng Phước Sơn về vụ việc. Khi CA huyện mời lãnh đạo Cty đến giải quyết vụ việc, thì họ không đến. Vậy, Tập đoàn Besra có ý gì khi chỉ gửi thông báo vụ “cướp tài sản gây tổn thất hàng tỉ đồng” đến các phóng viên báo chí mà không báo chính quyền địa phương?
 
Hậu quả khó lòng giải quyết
 
Ông Phạm Thế Quyền cho rằng, NM vàng Phước Sơn từ khi đầu tư vào địa bàn huyện đã trở thành “cục nợ” của Phước Sơn. Đầu tiên là đất rừng, trước đây, Bộ Công nghiệp cấp phép cho Cty TNHH vàng Phước Sơn được phép thăm dò khai thác 72km2, đến khi bắt đầu thăm dò thì Cty thuê 42km2 với thời hạn thăm dò đến cuối năm 2012. Đây là diện tích rừng sản xuất, nhưng được quản lý theo rừng phòng hộ vì có ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. 
 
Sau nhiều lần huyện đề nghị, tỉnh làm việc, thì Cty đồng ý giao lại cho tỉnh 10km2, nhưng khi tỉnh yêu cầu cung cấp ranh giới, vị trí mà Cty đồng ý giao lại thì Cty không xuất trình được hồ sơ. Tính đến tháng 4.2013, Besra đã khai thác được 200.000 ounce vàng (tương đương 6,22 tấn vàng), và đã bán hết. Tuy nhiên, 2 Cty vàng của Besra nợ thuế, phí các loại gần 300 tỉ đồng. Không chỉ vậy, Cty vàng Phước Sơn còn nợ người dân Khâm Đức 20 tỉ đồng từ tiền rau, tiền bún, đến tiền các DN cung ứng nguyên vật liệu, khiến người dân nhiều lần phong tỏa Cty để đòi nợ. Đến nay, Cty này mới trả được tiền rau, bún, còn khoảng 18 tỉ đồng nợ Cty Quảng An (thị trấn Khâm Đức) vẫn chưa trả.
 
Ông Quyền nói: “Vàng thì họ bán, mà thuế không nộp, ngân sách huyện bị ảnh hưởng lớn. Hơn nữa, các cam kết của Cty này với người dân địa phương như làm đường, nước sạch... nhiều năm qua không thực hiện. Giờ đóng cửa để gây áp lực đòi hoãn thuế, thông báo cho CN nghỉ việc mà không giải quyết chế độ. Tiền bảo hiểm đã thu của CN, nhưng không nộp cho BHXH hơn 4 tỉ đồng. Hơn 700 CN mất việc, tay trắng”. 
 
Ông Nguyễn Văn Dũng - trưởng thôn 4, xã Phước Đức (nơi NM vàng đứng chân) - cho biết, gần 30 người dân của thôn mất việc do NM vàng đóng cửa, một số về làng làm nương rẫy. Một số người thì sẽ theo lâm tặc, vàng tặc, hoặc phá rừng làm rẫy, khiến tình hình thêm phức tạp... Nói như ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam - thì việc xử lý nghiêm, thậm chí đề nghị rút giấy phép đối với các Cty vàng nếu họ trây ỳ, không nộp đủ thuế, không phải là cản trở đầu tư, mà chính là khích lệ việc đầu tư lành mạnh, công bằng cho các DN luôn tuân thủ pháp luật.
 
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo