Hải quan chủ động đối phó với các thủ đoạn buôn lậu xăng dầu
Theo ông Lê Nam Phong, Phó đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), nhận thấy dấu hiệu khả nghi, cơ quan Hải quan đã theo dõi căn cứ kết quả xác minh và các nguồn tin.
Cơ quan chống buôn lậu xác định đây là hoạt động buôn lậu có tính chất nghiêm trọng, nên ngày 4/1/2016, Cục Điều tra chống buôn lậu ký Quyết định xác lập chuyên án XD116 và xây dựng kế hoạch phá án.
Theo ông Lê Nam Phong, một trong những người trực tiếp chỉ huy chuyên án, đây là vụ buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay do ngành hải quan phối hợp với các đơn vị liên quan bắt được.
Tổng số lượng xăng A92 không pha chì (RON 92) bị bắt giữ là hơn 9.173.000 tấn tương đương hơn 13 triệu lít với giá trị lô hàng hơn 202 tỷ đồng (giá trị thị trường tại thời điểm bắt giữ 1 lít xăng A92 không pha chì 15.442 đồng/lít).
Cụ thể, ông Lê Nam Phong cho biết, qua theo dõi và so sánh số liệu của Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú, cơ quan chống buôn lậu đã phát hiện ra tải trọng khai báo của các tàu chở xăng dầu đều cao hơn số lượng khai báo tại các tờ khai nhập khẩu, do vậy số lượng hàng chênh lệch có thể nghi vấn doanh nghiệp đã khai báo giảm số lượng thực tế để nhập lậu xăng dầu. Theo số liệu khai thác tại cơ sở dữ liệu của ngành, thì số chênh lệch trọng tải tàu/số lượng xăng dầu khai báo hải quan là hơn 224.000 tấn.
Trước đó, ngày 18/12/2015, được sự đồng ý của lãnh đạo Cục, để đảm bảo bí mật lực lượng phá án di chuyển vào TPHCM, các tổ trinh sát liên ngành gồm hải quan và công an tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, đã đồng thời tổ chức 2 mũi bắt giữ ngay trên biển và tại kho. Sau hơn 2 ngày theo dõi lộ trình tàu hàng khả nghi, ngày 29/1, hải quan và công an phối hợp triển khai mũi bắt giữ buôn lậu và tang vật ở trên biển.
Đồng thời, sau khi nhận được thông tin từ mũi trên biển, mũi thứ hai khống chế toàn bộ nhân viên kho hàng, bắt giữ buôn lậu và tang vật ngay tại kho.
Đáng chú ý, trong số người bị tạm giữ trên có cả cán bộ kiểm hoá của Hải quan.
“Khi bắt buôn lậu gặp người trong ngành đúng là cảm giác khó tả, nhưng chúng tôi không chịu sức ép nào, vẫn tiến hành câu lưu tại chỗ, yêu cầu viết tường trình, chúng tôi vẫn thực thi công vụ đầy đủ như bình thường”, ông Lê Nam Phong khẳng định.
Đến ngày 3/2/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với 8 đối tượng gồm: Nguyễn Đức Mạnh (Tổng giám đốc), Nguyễn Thanh Sơn (Phó Tổng giám đốc), Vũ Văn Bằng (Trưởng phòng kinh doanh), Nguyễn Đăng Duy (Phó phòng kinh doanh), Nguyễn Đức Quang (nhân viên phòng kinh doanh), Luyện Xuân Tràng về tội buôn lậu; Aleria Romel Pagente (quốc tịch Philippines, thuyền trưởng tàu BTS Christina) về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú được Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu xăng dầu số 16-XD/GP-BCT ngày 28/10/2013. Lợi dụng tư cách pháp nhân là một đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu, từ tháng 7/2015 đến tháng 11/2015, Luyện Xuân Tràng và các đối tượng tổ chức buôn lậu xăng dầu.
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là thuê tàu nước ngoài có trọng tải trên 10.000 tấn chở xăng, dầu mua từ Singapore chạy thẳng về cảng Hòa Phú (huyện Tuy Hoà, Bình Thuận) để bơm lên các bồn chứa nhưng làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Bình Thuận chỉ khai báo trên tờ khai hải quan khoảng từ 2.000 tấn đến 3.000 tấn. Số lượng còn lại (khoảng 8.000 tấn đến 10.000 tấn) không khai báo, có giá trị gian lận lên tới nhiều tỷ đồng. Sau khi đã bơm hàng lên kho tại Hòa Phú (Bình Thuận), một phần xăng dầu được các đối tượng bán lẻ cho các khách hàng tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, còn một phần dùng tàu có trọng trải từ 2.000 tấn đến 6.000 tấn vận chuyển ra Hải Phòng, Thái Bình, hợp thức hóa bằng hóa đơn chuyển kho về tổng kho xăng dầu 19/9, tổng kho xăng dầu MIPEC, cảng Diêm Điền để bán tại Hải Phòng và các tỉnh phía bắc.
Các đối tượng dùng thủ tục vận chuyển nội bộ ra kho của Công ty cổ phần 19/9, Hải Phòng (Công ty Dương Đông Hòa Phú ký hợp đồng thuê kho của công ty này để chứa hàng) để đối phó với các cơ quan chức năng. Tổng cục Hải quan dự báo trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Tội phạm áp dụng nhiều thủ đoạn đa dạng. Cụ thể, một trong những thủ đoạn dùng tàu con, tàu cá hoán cải, buôn bán xăng dầu hay còn gọi là “hàng đen” ngay trên biển, ngoài phao số 0… Hoặc các đối tượng buôn lậu có thể mua lậu trên biển rồi bí mật nhập kho. Một thủ đoạn nữa là lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu, sau khi làm tờ khai xong chở hàng ra biển bán luôn…
Để kiểm soát hiệu quả hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi, các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu,
Ông Lê Nam Phong cho biết, cơ quan chống buôn lậu sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin bảo đảm cải cách, hiện đại hóa quá trình kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan với quan điểm chủ động phòng ngừa nhằm hạn chế, triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tập trung điều tra các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, không để xảy ra các vụ việc lớn, vụ việc nổi cộm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu, tiếp tục nắm vững diễn biến, tình hình tại các địa bàn trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng trọng điểm, trong đó tập trung vào mặt hàng xăng dầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Thách thức bủa vây thị trường chứng khoán: Xuống tiền mã ngành nào?
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh