Hải quan tiếp tục thêm phí
Cụ thể theo Công văn 1237 do Tổng cục Hải quan ban hành ngày 8/3, phí CIC (khoản phụ phí vận tải biển do các hãng tàu thu nhằm bù đắp chi phí vận chuyển container (cont.) rỗng từ nơi khác về nơi có nhu cầu xuất hàng), phí D/O (lệnh giao hàng) và phí vệ sinh cont. đều phải đưa vào trị giá khai báo hải quan tính thuế hàng hóa nhập khẩu.
Lại phí chồng phí
Ông Đặng Vũ Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kho vận miền Nam (Sotrans), phân tích phí vệ sinh cont. trên thực tế có hai loại. Các hãng tàu thường thu từ 50.000-100.000 đồng/cont. Nhưng theo Công văn 6142/BTC-CST của Bộ Tài chính, phí này đã được đưa vào giá trị vận chuyển đường biển. Còn phí vệ sinh cont. phát sinh sau khi hàng cập cảng đầu tiên là khi doanh nghiệp (DN) lấy hàng... Phí này không phải lúc nào cũng có và phát sinh sau khi hàng đã đến cửa khẩu đầu tiên, nên không được tính vào giá trị hàng nhập nữa. Ngoài ra, phí D/O do đại lý giao nhận, hãng tàu thu nhằm mục đích bù đắp chi phí cho hoạt động nên cũng không thể coi là chi phí cấu thành giá cước để đưa vào trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu được.
Ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, giải thích rõ hơn rằng theo điều 5-6 của Thông tư 39 được dẫn trong Công văn 1237 thì “trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên”, chứ không phải sau khi hàng đã đến cửa khẩu nhập đầu tiên. Thế nên, việc yêu cầu khai phí D/O phát sinh tại VN trong khi DN đã phải đóng 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hãng tàu khi lấy lệnh rồi là khiến DN đóng 2 lần thuế VAT. Cho dù trong tờ khai không khai VAT, nhưng do phí D/O đã được phân bổ trong giá trị tính thuế của lô hàng nhập khẩu, khi hàng về VN, nếu đưa luôn phí này vào lần nữa là kiểu tính thuế chồng thuế. Như vậy, bản chất cộng thêm phí D/O là tính VAT hai lần. “Đây là vướng mắc nghiêm trọng trong quy định về thuế và kế toán”, ông An nhấn mạnh.
Dù đồng ý coi phí CIC tính trong trị giá tính thuế hàng nhập, song theo ông An, đây chỉ là phí vận chuyển cont. rỗng. Nếu CIC xuất phát từ nước ngoài thì đây là khoản phải khai để cộng vào trị giá tính thuế nếu chưa bao gồm trong giá bán. Nhưng nếu CIC xuất phát từ VN, phải theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 15 của Thông tư 39 là không thu. Như vậy, phí CIC cũng không có cơ sở để đưa vào tính trị giá hải quan.
Chuyên gia logistics và xuất nhập khẩu Đinh Văn Thiên cho rằng bản chất của phí CIC, phí vệ sinh cont. và phí D/O hoàn toàn không liên quan gì đến chi phí vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu đầu tiên nên Công văn 1237 yêu cầu cộng vào trị giá tính thuế hàng nhập là không hợp lý.
Ảnh hưởng đến cạnh tranh của DN
Theo ước tính của một số DN hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, chỉ riêng 2 phí D/O và phí vệ sinh cont. nếu đưa vào trong giá trị tính thuế hàng nhập, sẽ đội thêm chi phí cho DN rất nhiều. Trung bình phí vệ sinh cont. từ 200.000-2 triệu đồng/cont., phí D/O thường từ 500.000-800.000 đồng/bộ. Nếu DN nhập khẩu mỗi lần trên chục cont. hàng hóa, số tiền cộng thêm đưa vào trị giá tính thuế hàng sẽ lên đến hàng chục triệu đồng. “Nếu tính từng đơn vị cont. thì không nhiều, nhưng cứ lô hàng nào cũng tính kiểu này thì thêm một gánh nặng phí cho DN nhập khẩu”, ông An nhấn mạnh.
“Bộ Tài chính mà cụ thể là Tổng cục Hải quan cần xem xét việc truy thu các loại phí này. Đây là điều không thể bởi mỗi DN có hàng ngàn tờ khai, báo cáo thuế đã xong, việc truy thu hồi tố là không ổn và không thể làm được”, ông Thành bức xúc và cho rằng, việc bổ sung các loại phí này vào trị giá tính thuế hàng nhập, khiến giá thành nguyên vật liệu sản xuất sẽ tăng đáng kể, ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh của DN sản xuất trong nước.
Ông Đinh Văn Thiên cũng băn khoăn khi cho rằng, một công văn hướng dẫn được “sinh” sau Thông tư 39 hơn 2 năm, lại có dấu hiệu mâu thuẫn trong cách hiểu, cách thực thi. VAT 10% hãng tàu đã thu, cộng vào trị giá hải quan lại bị thu thêm 10% lần nữa là vô lý quá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo