Hai tàu khu trục Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng
Sáng 6-4, hai tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ đã ghé cảng Tiên Sa thăm TP Đà Nẵng.
Hai tàu gồm tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald (DDG 62) và tàu tác chiến gần bờ thế hệ mới USS Fort Worth (LCS 3).
Sĩ quan cao cấp phụ trách hai con tàu này là Đại tá Lê Bá Hùng, người Mỹ gốc Việt, nguyên là hạm trưởng tàu USS Lassen (DDG 82), từng ghé thăm Đà Nẵng năm 2009.
Đại diện của chính quyền TP Đà Nẵng và Vùng 3 Hải quân đã đón tiếp thủy thủ đoàn.
Tàu USS Fort Worth là thế hệ thứ hai của lớp Fredoom, loại tác chiến gần bờ (LCS), và là một trong những tàu chiến tối tân và hiện đại nhất hiện nay.
Nhiệm vụ của tàu Fort Worth cũng như sĩ quan, thủy thủ của tàu là sẵn sàng thực hiện các hoạt động tác chiến nhanh và kéo dài trên biển nhằm hỗ trợ cho chính sách của Hoa Kỳ.
Thiết kế của tàu cho phép đánh bại các đe dọa trên biển, tiếp cận và khống chế khu vực tác chiến. Fort Worth có các khả năng chiến đấu và độ linh hoạt cao trong hoạt động với các nhiệm vụ tập trung như phá mìn, tác chiến chống tàu ngầm và tác chiến chống tàu nổi.
Tàu Fort Worth được xây dựng bởi Tập đoàn Marinette Marine Corporation tại Marinette, Winscosin. So với loại tàu LCS đầu tiên, Fort Worth đã có các cải tiến như độ nổi tăng lên, sức chứa nhiên liệu tăng hơn 10% và tăng thêm chiều dài. Các cải tiến này làm tăng vận tốc cũng như tính hiệu quả của tàu.
Còn tàu USS Fitzgerald thuộc lớp Arleigh Burke. Tàu có thể phóng tên lửa SM-3, vũ khí phòng vệ của hải quân Mỹ do công ty Raytheon sản xuất để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm trung.
USS Fitzgerald được thiết kế với mục đích phòng vệ. Toàn bộ tàu được làm bằng thép và sử dụng động cơ tuabin khí.
Tàu dài 154m, rộng 20m, mớn nước 9,4m, tốc độ lên đến 56 km/g và tầm hoạt động hơn 8.000 km.
USS Fitzgerald được trang bị nhiều loại radar, thiết bị phục vụ chiến tranh điện tử, các bệ phóng tên lửa, hai ống phóng ngư lôi, 4 súng caliber 50 cỡ nòng 12,7 mm, 2 pháo phòng thủ gần Phalanx CIWS 20 mm.
Đây là hoạt động ngoại giao giữa hải quân hai nước nằm trong hoạt động giao lưu hải quân thường niên lần thứ 6 nhân dịp hai nước đang kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Chương trình kéo dài trong 5 ngày này, tập trung vào một loạt các sự kiện phi tác chiến và các hoạt động trao đổi kỹ năng về quân y, tìm kiếm và cứu nạn, an ninh hàng hải. Các trao đổi chuyên môn sẽ tập trung vào lĩnh vực hàng hải, kiểm soát thiệt hại trên tàu, giải cứu tàu ngầm…
Ngoài ra, các hoạt động khác bao gồm các buổi hòa nhạc, các hoạt động phục vụ cộng đồng và giao lưu thể thao. Hoạt động giao lưu trên biển sẽ cho phép tàu của hải quân hai nước thực hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển, các kỹ thuật tìm kiếm và cứu nạn, và cách điều khiển tàu.
Phát biểu tại buổi họp báo nhanh trên tàu, đại tá Lê Bá Hùng chia sẻ: “Tôi rất vui khi lần thứ 2 trở lại Việt Nam. Chúng tôi trông đợi được làm việc với Hải quân nhân dân Việt Nam trong những ngày sắp tới. Đợt giao lưu này sẽ có nhiều điểm nổi bật, một trong những hoạt động ý nghĩa nhất là thực hành giao lưu, Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển. Đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hải quân hai nước”.
Nói về sự trở lại Việt Nam và tình cảm dành cho quê hương mình, đại tá Lê Bá Hùng nhấn mạnh rằng: “Việt Nam là một phần trong trái tim tôi”.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo