Hàn Quốc tẩy chay lao động Việt Nam
Xuất khẩu lao động là một trong những kênh giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập cho lao động Việt Nam. Trong đó Hàn Quốc được đánh giá là thị trường cho thu nhập cao, thu hút nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ Việt Nam có thể mất thị trường lao động tại Hàn Quốc do số lao động bỏ trốn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các quốc gia có lao động làm việc tại Hàn Quốc.
Theo thống kê, trong tổng số 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có trên 8.000 lao động bỏ trốn và đang cư trú bất hợp pháp.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, phía Hàn Quốc có thể dừng tiếp nhận lao động Việt Nam nếu không khắc phục được tình trạng lao động bỏ trốn. Nếu điều này xảy ra, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người lao động tại địa phương nói trên mà còn mất đi cơ hội đi làm việc ở nước ngoài của hàng chục ngàn lao động khác đang làm thủ tục để sang Hàn Quốc.
Không phải bây giờ mới có chuyện lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn. Tình trạng này đã xảy ra từ các năm trước, chỉ khác nhau ở chỗ trước đây tỷ lệ bỏ trốn rất thấp và chỉ bỏ trốn sau khi hết hợp đồng lao động. Còn hiện nay, ngoài việc bỏ trốn sau khi hết hợp đồng, một bộ phận không nhỏ lao động Việt Nam vừa nhập cảnh vào Hàn Quốc đã bỏ trốn để tự tìm việc làm bất hợp pháp.
Lý do thì có nhiều nhưng nguyên nhân chính là ra làm ngoài mức thu nhập hấp dẫn hơn. Điều đáng nói, tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng và đỉnh điểm mới đây, 22 lao động Việt Nam đã bỏ trốn ngay khi đặt chân đến sân bay, gây bức xúc cho các doanh nghiệp tuyển dụng và cả các cơ quan chức năng của Hàn Quốc.
Hệ lụy là trước mắt phía Hàn Quốc đã hạn chế nhập khẩu lao động đến từ Việt Nam. Cụ thể, tạm hoãn kỳ sát hạch tiếng Hàn lần thứ 2 năm 2011 lẽ ra đã được tổ chức vào đầu tháng 8-2011.
Trước thực trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, mới đây Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Thanh Hòa đã ký văn bản yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh dừng tuyển lao động đi làm việc theo Chương trình hợp tác lao động với Hàn Quốc (EPS) tại 3 huyện: Nghi Xuân, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên với lý do các địa phương này có số lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc nhiều, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp chống lao động bỏ trốn, như thay đổi cách thức tuyển chọn lao động; nghiên cứu, áp dụng các biện pháp hành chính đối với những địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn, sống bất hợp pháp cao.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
End of content
Không có tin nào tiếp theo