Hàn Quốc: về hưu dễ bị... nghèo
Chỉ 1/3 số người từ 65 tuổi trở lên tại Hàn Quốc được hưởng lương hưu. Hơn 50% dân số độ tuổi này thuộc diện “cận nghèo” (thu nhập hằng tháng thấp hơn 50% mức thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình theo tiêu chuẩn Hàn Quốc).
Trong khi đó, độ tuổi phải về hưu của viên chức đang bị các công ty nước này hạ dần.
Nhiều công ty Hàn Quốc hiện đang hạ dần độ tuổi quy định nghỉ hưu xuống mức 50 hoặc hơn 50 một chút. Những người buộc phải rời công sở không còn lựa chọn nào khác là phải đi tìm việc nơi khác. Hiện mức tuổi trung bình người Hàn Quốc thật sự nghỉ làm việc là 71,1 tuổi, đứng thứ hai sau Mexico trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế).
Từng là kỹ sư trưởng, hồi còn đi làm ông Kim Min Su (69 tuổi) kiếm được mỗi tháng 4 triệu won (3.796 USD), nhưng nay nguồn thu nhập duy nhất của ông chỉ là khoản lương hưu 590.000 won (562 USD).
Suốt những năm công tác, tiền kiếm được ngoài việc lo cho con ăn học, ông chẳng để dành được bao nhiêu. Nên sau khi nghỉ ông phải tìm tới trung tâm giới thiệu việc làm để kiếm xem có việc nào phù hợp với người cao tuổi.
Xét ra ông Kim vẫn còn may mắn hơn nhiều viên chức về hưu khác khi được một công ty nhận vào làm toàn thời gian với mức lương 1,2 triệu won (1.139 USD). Theo lời ông Kim Yong Sik (một người cao tuổi khác cũng tới trung tâm tìm việc), nếu ngày trước rất dễ tìm một việc cho người già như gác cổng hay bảo vệ thì nay người ta không thèm để mắt tới những ai ngoài 65 tuổi cho những việc như vậy.
Trong tình cảnh ấy, dễ hiểu khi có một bộ phận lớn viên chức nghỉ hưu chuyển sang mô hình tự kinh doanh. Theo Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, có tới nửa số chủ doanh nghiệp nhỏ hiện nay của nước này ở độ tuổi trên 50.
Một trong những thị phần mà các “doanh nhân U-60, U-70” tham gia đông nhất là thức ăn nhanh, đặc biệt gà rán. Hiện có hơn 43.000 cửa hàng gà rán mọc lên khắp Hàn Quốc. Tuy nhiên, với khoảng 900.000 viên chức nghỉ hưu đổ vào lĩnh vực kinh doanh tự do mỗi năm như thế, theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung Hwan, áp lực cạnh tranh rất khắc nghiệt.
Ông Kim Yong Sik chỉ là một trong số các doanh nhân U-70. Bây giờ mỗi tháng ông kiếm được khoảng 200.000 won (190 USD), cộng thêm khoảng 300.000 won (285 USD) do con cái cho thêm, cuộc sống của ông phần nào tạm ổn.
Cũng theo ông Kim, Chính phủ Hàn Quốc đã mở các khóa đào tạo hướng dẫn một số kỹ năng làm việc hỗ trợ người già như ông. Nhưng các khóa học đó xem ra chưa phù hợp và chỉ “tốn thời gian”.
Ông Kim lập luận với những người lớn tuổi như ông mà chính phủ lại cho học các khóa thiết kế web thì liệu có ai sẽ cho họ cơ hội làm đúng nghề đã học. Chưa kể với tốc độ phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, rất nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, không thể theo kịp đà phát triển.
Kinh tế eo hẹp đành thất hứaHàn Quốc bắt đầu thực hiện chế độ lương hưu trên toàn quốc từ năm 1988. Tổng thống Park Geun Hye từng hứa sẽ cấp cho mỗi công dân từ 65 tuổi trở lên một khoản phụ cấp cố định hằng tháng là 200.000 won (190 USD), nhưng đành phải thất hứa do điều kiện kinh tế eo hẹp của đất nước.Nhằm giải quyết khó khăn cho lực lượng viên chức cao tuổi, hồi tháng 4 năm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua luật quy định không được bắt buộc người lao động về hưu trước năm 60 tuổi. Luật này sẽ được áp dụng từ năm 2016.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo