Thị trường

Hàng hóa áp Tết - “Vàng thau lẫn lộn”

(DNVN) - Cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất, không khí mua sắm đang tưng bừng, tấp nập. Theo ghi nhận của PV, hàng hóa phục phụ Tết rất phong phú, nhưng tâm lý tiêu dùng lại rất hoang mang về hàng giả, nhái và kém chất lượng. Liệu đã đáng mừng khi lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đưa ra tín hiệu động viên: Sẽ phải chống hàng giả, nhái…ngay trong lực lượng thực thi?

Thế nào là… xịn?

Những ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao, không khó để bắt gặp những hình ảnh đông đúc, nhộn nhịp người mua – bán tại các khu chợ, điển hình như chợ sinh viên (Mai Dịch, Cầu Giấy), chợ Nhà Xanh (Phan Văn Trường, Cầu Giấy), hay khu mua sắm sinh viên (Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy).

Tấp nập mua sắm tại các khu chợ.

Tìm hiểu của PV cho thấy, những ngày áp Tết, người tiêu dùng có quan tâm giá rẻ hơn là chất lượng. Ông Việt Dũng (Cầu Giấy) chia sẻ: “Tết đến cũng muốn sắm sửa quần áo, giày dép, những mặt hàng tiêu dung thiết yếu…Mua cùng lúc nhiều đồ như vậy, tôi chỉ cần giá rẻ là được”. Cùng quan điểm với ông Việt Dũng, chị Anh Thư (Mai Dịch) không hề quan tâm đến chất lượng hàng hóa mà chỉ để ý đến giá rẻ. Chị Đỗ Thị Phượng (Xuân Đỉnh) tâm sự: “Hàng hóa dịp Tết rất phong phú, không biết thế nào là hàng xịn, nhãn mác hành hóa cứ na ná như nhau, tốt nhất là xem giá trước khi quyết định chất lượng”.

Trao đổi với PV, các doanh nghiệp có uy tín có chung nhận định: Thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái đa dạng về mẫu mã, chất lượng. Chị Hoàng Tú Mai (Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho biết, có rất nhiều cửa hàng kinh doanh túi xách, quần áo với nhãn hiệu chính hãng như Dior, Zara, Channel... nhưng giá rất rẻ, chỉ từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng. Bằng mắt  rất khó để nhận biết được đâu là hàng xịn và đâu là hàng “chợ”.

Giá bán của những chiếc túi xách nhái thương hiệu chính hãng chỉ từ 50.000 đến 200.000 đồng.

Chị Hoàng Tú Mai đơn cử: “Chiếc túi xách nhãn hiệu YSL của Pháp được “nhái” tại khu chợ sinh viên Phạm Tuấn Tài. Ban đầu nhìn chiếc túi khá giống với hàng chính hãng, nhưng nếu để ý kỹ thì có thể nói chất lượng kém. Trước hết về logo YSL không được sáng và thanh, đường may cẩu thả, không chi tiết, màu chỉ không nhất quán. Dáng túi khi đặt đứng thẳng có thể bị nghiêng, xô lệch không vững vàng. Chất liệu da nhăn, dễ nổ”.

Túi YSL nhái được bán với giá 220.000 đồng trong khi hàng chính hãng được bán với giá hơn 4 triệu là thấp nhất.

Tiếp xúc với PV, nhiều người tiêu dung thắc mắc: Một chiếc quần bò của Zara chính hãng được bán với giá gần 4 triệu đồng là thấp nhất, nhưng tại khu chợ giá lại chỉ còn 90.000 đến 150.000 đồng, tức giảm giá tới 90%, liệu có đáng tin về nhãn hiệu hàng hóa và chất lượng không? Thậm chí có nơi  buôn bán quần áo, giày nhái viết sai tên thương hiệu, mặc dù logo vẫn giống với hàng chính hãng, không biết đó là do có sự nhầm lẫn hay chiêu trò đánh lạc hướng?

Thương hiệu giày Nike bị viết sai tên thành Nkie, bán với giá chỉ 100.000 đồng.

Theo tìm hiểu của PV tại các khu chợ dành cho sinh viên và người có thu nhập thấp thì mỹ phẩm mang tên các thương hiệu lớn bày bán tràn lan, giá chỉ 1/10 giá trị hàng thật. Chẳng hạn, một thỏi son chính hãng có giá hơn 500.000 đồng nhưng tại chợ Nhà Xanh, Cầu Giấy chỉ có giá 70.000 đến 90.000 đồng, thậm chí nhập sỉ chỉ 40.000 đồng. Khi PV hỏi về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì chỉ nhận được trả lời từ người bán hàng: Được nhập từ công ty, tuy nhiên không có giấy chứng nhận chứng minh công ty nào, ở đâu… ?

 

“Cưỡi ngựa xem hoa”?

Mỹ phẩm “nhái” giá rẻ rất được bày bán công khai tại nhiều khu chợ.

Theo chuyên viên pháp lý Lê Hoàng Tùng, Công ty Luật Everest Hà Nội: Đến nay, việc xử lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái đang là bài toán nan giải. Hàng giả, hàng nhái vẫn âm thầm trôi nổi trên thị trường, không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm Việt Nam. Điều đó cho thấy, việc thực hiện đăng ký cũng như áp dụng luật sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp còn nhiều kẽ hở, bất cập nên khi phát hiện, xử lý còn nhiều khó khăn, chưa đủ sức răn đe. Về khía cạnh luật pháp, ông Lê Hoàng Tùng cho rằng: Cần rà soát lại việc cấp phép lưu hành sở hữu trí tuệ về logo nhãn hiệu, bởi hiện nay hoạt động này chưa được đồng bộ nên thực thi chưa nghiêm. Thêm vào đó, công tác quản lý hàng giả, hàng nhái chưa quyết liệt. Những đợt kiểm tra chủ yếu tập trung vào những ngày giáp Tết, ngày thường chắc chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”.

Trả lời phỏng vấn phóng viên DNVN mới đây, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường ( Bộ Công Thương) nhận diện:  “Phải phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong các cơ quan chức năng thực thi công tác này”.

Nên đọc
Hải Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo