Hàng hoá ế ẩm dịp cuối năm
Thấp bất thường
Dịp lễ Noel này, hệ thống siêu thị Big C tung ra chương trình khuyến mãi “Vui mua sắm, rộn rã đầu năm” với hơn 100 sản phẩm gồm thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm... mức giảm giá từ 5-40%. Đây là một trong rất nhiều chương trình khuyến mãi được siêu thị này tổ chức từ đầu năm đến nay thế nhưng tình hình tiêu thụ vẫn không khá hơn. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart cho biết: "Nhờ thực hiện liên tục các chương trình khuyến mãi, sức mua hàng thực phẩm tươi sống và chế biến trong tuần qua tăng 400% so với ngày thường. Tuy nhiên, nếu tính chung cả tháng thì doanh số tháng này chỉ tăng khoảng 25%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước".
Theo ghi nhận của chúng tôi, thông thường khách chỉ đông vào hai ngày cuối tuần tại một số siêu thị lớn. Nhưng cũng chỉ đông vào một số thời điểm, như giữa buổi sáng, chiều tối, còn lại khách lèo tèo. Tình hình ở các siêu thị nhỏ càng “thảm” hơn. Có những thời điểm trong siêu thị chỉ thấy toàn nhân viên, chẳng có người khách nào. Giám đốc một hệ thống siêu thị (đề nghị không nêu tên), cho biết: “Dù đã giữa tháng 12 nhưng sức mua vẫn vậy, không khởi sắc gì cả, thậm chí còn có chiều hướng giảm so tháng trước. Thị trường bán lẻ năm nay lạ cái là trong 6 tháng cuối năm, sức mua càng yếu hơn 6 tháng đầu năm. Đặc biệt từ tháng 9 đến nay, càng gần Noel, Tết dương lịch, Tết âm lịch, sức mua càng giảm. Điều này hết sức bất thường”.
Siêu thị vắng khách, các chợ lẻ càng đìu hiu hơn. Một tiểu thương chợ Tân Bình cho biết ngoài nhóm hàng may mặc bán sỉ ra thì ở các ngành hàng khác, tình hình cuối năm mà vẫn ế ẩm như các tháng trước. Do vậy tiểu thương không mặn mà chuẩn bị hàng tết. Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết: “Lượng hàng hóa về chợ vẫn bình ổn, thậm chí còn nhiều hơn trước nhưng sức mua rất kém, vài tuần trở lại đây thì chợ vắng khách, các sản phẩm thông dụng như tôm, mực, cá thu loại ngon thì tiêu thụ được nhưng nhiều loại cá biển, cá đồng khác thì bán rất chậm”.
Hàng thiết yếu cũng ế
Không khí tiêu thụ ảm đạm kéo dài dần lan tỏa sang cả những mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Đối với mặt hàng trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết: “Tình hình tiêu thụ trứng năm nay thấp hơn năm trước từ 10-20%, sức mua cả năm rất thấp, nếu không có diễn biến hút hàng bất ngờ mấy ngày gần đây do chênh lệch giá giữa hàng bình ổn và giá trứng trên thị trường bán lẻ thì chắc doanh số còn thấp hơn nữa”.
Theo ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan - dịp tết năm nay nguồn thịt không thiếu nhưng khó có khả năng sức mua tăng mạnh, chỉ mong bằng năm trước. Nhiều nhà sản xuất chỉ chuẩn bị lượng hàng tết vừa phải theo hướng thận trọng. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Công ty Saigon Food - cho biết: “Hiện công ty đã chuẩn bị 500 tấn hàng, 200 tấn nguyên liệu bán thành phẩm. Nếu sức mua thị trường tăng sẽ đưa vào sản xuất, cung ứng thị trường. Tết năm nay chỉ lo người dân thiếu tiền mua sắm chứ không lo thiếu hàng hay sốt giá”.
Theo một số doanh nghiệp, thông thường, tập quán tiêu dùng tháng cận tết sức mua sẽ tăng mạnh nhưng tình hình năm nay không theo quy luật này. Vì thế, doanh nghiệp, nhà bán lẻ cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, phải nắm sát thị trường, có dự báo đáng tin cậy để chuẩn bị lượng hàng phù hợp mới mong không bị tồn hàng kéo dài sau tết.
Ông Âu Thanh Long - Chủ tịch HĐQT Công ty chăn nuôi Duy Cường (Đồng Nai), phân tích: “Năm nay nhiều doanh nghiệp sẽ cho công nhân nghỉ tết sớm và nghỉ dài ngày, do đó sức tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm tại các thành phố lớn sẽ càng giảm đi và có thể phân tán về các tỉnh”.
Một khảo sát nhỏ của PV đối với cán bộ công nhân viên một số ngân hàng, doanh nghiệp cho thấy tâm lý lo không có thưởng tết hoặc có nhưng thưởng tết rất “hẻo” đang lan rộng. Có lẽ đó là một trong các lý do khiến người tiêu dùng vẫn tiếp tục siết chặt chi tiêu, dù đã ở thời điểm cuối năm.
Tập trung vào các mặt hàng thiết yếu
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, nhận định: “Thông thường sức mua sẽ được cải thiện vào mùa tết. Tuy nhiên năm nay kinh tế khó khăn, nhiều khả năng người dân chỉ tập trung mua sắm các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm (bánh mứt, nước giải khát, thịt gia súc gia cầm...), đồ gia dụng, sản phẩm vệ sinh nhà cửa... Doanh nghiệp cần theo dõi và có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng vừa phải, tránh xảy ra tình trạng hàng tồn kho”.
Đoàn Huế (Theo TNO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 27/11: Vàng miếng SJC, vàng nhẫn tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 27/11/2024: Tỷ giá USD giữ đà ổn định
Thủ tướng chỉ đạo tăng tốc triển khai giải pháp kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Giá vàng thế giới và nhận định chuyên gia ngày 27/11: Ổn định trước những tín hiệu địa chính trị trái chiều
Giá nông sản ngày 27/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu giữ giá
Giá heo hơi ngày 27/11/2024: Biến động trái chiều ở miền Bắc