Tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bay của các hãng hàng không thời gian gần đây liên tục diễn ra gây nhiều bức xúc. Nếu việc chậm chuyến bay, hủy chuyến bay mà hành khách kêu ca trước đây thường được “đổ lỗi” cho các hãng hàng không giá rẻ, ngay cả Hãng Hàng không quốc gia VN cũng thường xuyên xảy ra. Tại sao?
Lỡ việc cả ngày vì máy bay chậm chuyến
Theo phản ánh của bạn đọc N.H, ông có vé chuyến bay VN239 của Vietnam Airlines từ Hà Nội vào TPHCM xuất phát lúc 12h20 ngày 26.6. Chuyến bay đúng giờ, ông sẽ kịp làm việc buổi chiều với đối tác. Đến sân bay đúng giờ, nhưng sân bay thông báo chuyến bay sẽ bị chậm lại, thời gian cất cánh dự kiến sẽ là 14h cùng ngày. Nhưng phải đến 14h40, hành khách trên chuyến bay mới được lên máy bay, và phải đến 15h máy bay mới cất cánh, khi tới TPHCM đã là cuối ngày, nên cả một ngày trời mất công mất việc vì chuyện chậm chuyến của Hãng Hàng không quốc gia.
Mới đây, ngày 12.6 cả chục chuyến bay của VietJet Air chậm chuyến bởi trên chuyến bay mang số hiệu VJ 8571 từ Hà Nội đi Nha Trang cùng ngày có hành khách nói có bom trong người. Cơ quan an ninh đã áp giải hành khách nêu trên ra khỏi máy bay để kiểm tra theo quy định. Toàn bộ hành lý cũng được mang ra soi chiếu lại từ đầu.
Tất cả hành khách phải xuống máy bay để nhà chức trách rà soát máy bay, ghế ngồi... Theo đại diện của Vietjet Air, sự việc đã gây ra tình trạng chậm chuyến dây chuyền, làm cho ít nhất 10 chuyến bay của hãng sẽ bị chậm 3 tiếng đồng hồ trong ngày 12.6, bởi trong ngày một máy bay của hãng thực hiện khoảng 10 chuyến.
Ngoài hai trường hợp điển hình nêu trên, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra việc chuyến bay chậm từ 1 tiếng đến vài tiếng. Lý do các hãng hàng không đưa ra không chỉ do máy bay về trễ, mà còn có cả thông tin “vì lý do kỹ thuật”... gây lo ngại cho hành khách. Tiến sĩ Trần Đình Bá - Hội Khoa học kinh tế VN cho biết: “Chỉ trong 6 tháng của năm 2012 đã xảy ra tới 500 sự cố mất an toàn hàng không”(?!). Nếu vì lý do này mà các hãng hàng không chậm chuyến thì quả là điều đáng lo ngại. Được biết, chỉ riêng tháng 5.2013, Vietnam Airlines có tổng cộng 713 chuyến bay chậm giờ, 186 chuyến hủy trên tổng số 8.404 chuyến. Còn Jetstar Pacific Airlines thực hiện 997 chuyến thì trong đó 412 chuyến chậm giờ và 15 chuyến hủy. Vietjet Airlines thực hiện được 1.375 chuyến, trong đó có 69 chuyến chậm giờ và 48 chuyến hủy.
Sẽ công khai việc chậm chuyến
Theo ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chậm chuyến, hủy chuyến vừa qua của các hãng hàng không đang khai thác tại Việt Nam do hành khách dọa đặt bom, hoặc có vũ khí,ma túy; thời tiết không đảm bảo; va đập của chim và kỹ thuật... Do vậy,phải xem lại tỉ lệ chi tiết, hiện sơ bộ tổng số các chuyến bay bị lỡ chiếm khoảng 15%. Vấn đề kỹ thuật là bình thường, tất các các hãng đều phải xếp lịch bay trước 6 tháng, do vậy kỹ thuật được quản lý chặt chẽ và vấn đề bảo dưỡng định kỳ với tàu bay là cực kỳ quan trọng. “Việc lỡ chuyến cũng có thể vì lý do thương mại, vì có thời điểm ít khách nên phải dãn chuyến, ghép chuyến. Cục Hàng không dự kiến 1.7.2014 sẽ công khai việc nhỡ chuyến, chậm chuyến trên trang web của cục.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay đã có 35 trường hợp phát hiện có vật ngoại lai trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ gây uy hiếp an toàn cho hoạt động bay. Trong đó có 11 sự cố chim va đập với tàu bay gây uy hiếp an toàn cho hoạt động bay xảy ra tại các cảng hàng không: Pleiku, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Vinh, Rạch Giá. Hậu quả của các sự cố nêu trên đã làm hư hỏng tàu bay, uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay và cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không, gây thiệt hại kinh tế cho các hãng hàng không.
Để hạn chế, ngăn chặn các sự cố do chim gây ra và các sự cố do vật ngoại lai gây ra uy hiếp đến an toàn hoạt động của tàu bay tại các cảng hàng không, sân bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị, khi thi công sửa chữa, cải tạo các công trình trong khu bay phải báo cáo và xin phép Cục Hàng không Việt Nam, đồng thời tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo kiến thức về kiểm soát chim và động vật hoang dã cho cán bộ, nhân viên được phân công đảm nhiệm công tác này.
Thông tư 26 của Bộ Giao thông Vận tải về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không quy định: Nếu chuyến bay chậm 15 phút trở lên, hãng hàng không phải thông báo cho hành khách bằng hệ thống loa phát thanh tại sân bay với tần suất 15 phút/lần. Nội dung thông báo gồm lý do, thời gian cất cánh dự kiến, kế hoạch bay thay thế, kế hoạch phục vụ hành khách, bộ phận hỗ trợ và xin lỗi hành khách.
Đối với chuyến bay bị chậm do lỗi của hãng hàng không, nếu chậm 2 giờ phải phục vụ bữa ăn nhẹ, chậm từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn uống ứng với thời điểm bữa ăn sáng, trưa, tối. Nếu chậm chuyến từ 6 giờ trở lên, hãng hàng không phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện của sân bay. Trường hợp chậm chuyến trong khoảng 22h hôm trước đến 7h sáng hôm sau, phải bố trí phương tiện đưa khách về khách sạn, ưu tiên đối với hành khách đặc biệt.
Báo Lao Động