Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 10/2013
Theo Nghị định 98/2013 có hiệu lực từ 15/10 tới, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm với mức phạt lên tới 100 triệu đồng.
Đối với hành vi giải quyết bồi thường cho khách hàng chậm theo quy định của pháp luật có thể bị phạt từ 20 -30 triệu đồng.
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao, hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật trong quá trình giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm; thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.
Một nghị định khác quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, Nghị định 97/2013 có hiệu lực từ 10/10/2013. Theo đó, hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.
Trong đó, với hành vi vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường phạt tiền từ 1-1,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với hành vi tồn trữ, vận chuyển xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Phạt tiền từ 1,5-2,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với một trong các hành vi vi phạm như pha trộn chất phụ gia hoặc các chất khác vào xăng dầu làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc chất lượng xăng dầu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng; mua, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng; xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, pha chế xăng dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Tại Nghị định 99/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có hiệu lực từ 15/10/2013, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ vì mục đích kinh doanh xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 2-250 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3 triệu đến trên 500 triệu đồng.
Nghị định 93/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa có hiệu lực từ 15/10/2013, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
Đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 -100.000 đồng.
Một nghị định khác là Nghị định 95/2013, có hiệu lực từ 10/10, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi như ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.
Ngoài phạt tiền, người lao động vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm hoặc 5 năm.
Trong khi đó, theo Thông tư số 125/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, được thực hiện từ 14/10/2013, hỗn hợp các chất thơm và các hỗn hợp kể cả dung dịch cồn với thành phần chủ yếu gồm một hoặc nhiều các chất thơm này, dùng làm nguyên liệu thô trong công nghiệp; các chế phẩm khác làm từ các chất thơm, dùng cho sản xuất đồ uống loại khác có mức thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 5% lên 8%.
Các chế phẩm hóa chất khác, dùng trong chế biến thực phẩm có mức thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 5% lên 6%.
Mặt hàng Natri hydrogencarbonat (natri bicarbonat), axit benzoic, muối và este của nó có mức thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 0% lên 5%.
Một thông tư khác sửa đổi, bổ sung Thông tư số 176/2012 cũng được Bộ Tài chính ban hành nhằm quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 1/10/2013, phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng/lần.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng ban hành thông tư tăng lệ phí thẩm định băng, đĩa ca nhạc, trong đó mức thu lệ phí cấp và dán nhãn kiểm soát băng, đĩa hình có chương trình; phí thẩm định chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác được điều chỉnh tăng so gấp đôi so với hiện hành.
Đáng chú ý, từ 1/10/2013, Luật Phòng, chống khủng bố sẽ có hiệu lực, trong đó quy định nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố.
Theo quy định của Luật, Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp, gồm cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Thành viên của Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Lực lượng phòng, chống khủng bố gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố và các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố. Khi khủng bố xảy ra, nhiều lực lượng có thể được huy động để xử lý vụ việc, trong đó các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân là nòng cốt...
Ngoài ra, một số nghị định về nâng mức trợ cấp cho người có công, trợ cấp cho nhà giáo nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên; phụ cấp thâm niên cho nghề dự trữ quốc gia…cũng sẽ có hiệu lực trong tháng 10/2013.
End of content
Không có tin nào tiếp theo