Tin tức - Sự kiện

Hàng loạt chuyến bay bị hủy, hoãn do ảnh hưởng của núi lửa phun trào ở Bali

Việc núi lửa Agung phun trào đã khiến sân bay Bali cũng đã bị đóng cửa do tro núi lửa trong không khí gây cản trở tầm nhìn, đồng thời hàng loạt chuyến bay cũng đã bị hủy hoặc hoãn.

Ngày 26/11, theo tờ ABC News, hàng loạt hãng hàng không quốc tế bao gồm Jetstar và Qantas bắt đầu nối lại các chuyến bay đến và đi từ Bali, Indonesia sau khi gián đoạn hoạt động trong thời gian ngắn vì vụ nổ thứ 2 chỉ trong 1 tuần - Báo Giao thông đưa tin.

Trước đó, hầu hết các chuyến bay buộc phải hủy bỏ mặc dù giới chức quản lý thảm họa Indonesia đảm bảo điều kiện trên đảo hoàn toàn an toàn để bay. Các chuyến bay của hãng hàng không Air Asia từ sân bay Perth (Australia) trong ngày 25/11 vẫn được khởi hành bình thường nhưng các chuyến bay xuất phát từ các sân bay khác như Darwin buộc phải hủy bỏ.

Núi lửa phun trào khiến điều kiện an toàn bay không đảm bảo (Ảnh: Internet).

“Núi lửa và sự chuyển dịch của đám khói lớn là những vấn đề rất khó có thể dự đoán. Do đó, các chuyến bay ngắn buộc phải thay đổi tùy vào đánh giá mức độ an toàn bay”, hãng Jetstar cho biết.

Indonesia hứng chịu hai vụ núi lửa phun trào chỉ trong 1 tuần. Vụ mới nhất mạnh hơn khá nhiều so với vụ phun trào trước đó. Ngurah Rai, sân bay chính tại Bali vẫn mở cửa nhưng 2 giờ sau khi xảy ra vụ phun trào, Jestar đã hủy hoặc chuyển hướng 4 chuyến bay đến Bali cũng như 5 chuyến bay khác dự định khởi hành từ hòn đảo này.

Các hãng hàng không Qantas, Virgin và Dutch airline KLM cũng sớm “nối gót” Jetstar và hủy nhiều chuyến bay. Sở dĩ, tro bụi từ núi lửa phun trào gây nguy hiểm tới an toàn bay vì bụi đá chứa trong tro có thể ảnh hưởng đáng kể tới động cơ máy bay. Dù vậy, mỗi hãng hàng không lại có tiêu chí riêng để xác định khi nào máy bay có thể bay qua đám khói.

Khoảng 2.000 hành khách bị kẹt lại sân bay do bị hoãn/hủy chuyến bay (Ảnh: Báo Giao Thông).

Theo báo VnExpress, người phát ngôn Cơ quan Thảm họa Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, tổng cộng có 8 chuyến bay quốc tế đến Bali và 13 chuyến bay quốc tế khởi hành từ Bali phải hủy, khiến 2.000 người bị kẹt tại sân bay. Số hành khách này hầu hết là du khách đến từ Australia.

Căn cứ vào các dấu hiệu và nguy cơ xảy ra thảm họa, cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia (BNPB) cũng đã nâng mức báo động đối với núi lửa Agung từ mức ba lên mức bốn, mức cao nhất trong thang báo động của Indonesia. BNPB cảnh báo cư dân sống trong bán kính từ 8 đến 10km chung quanh ngọn núi lửa sơ tán ngay lập tức. Đồng thời, sân bay Bali cũng đã bị đóng cửa trước nguy cơ núi lửa phun cũng như tro núi lửa trong không khí gây cản trở tầm nhìn.

 

Indonesia đã nâng mức báo động lên cao nhất cho khu vực núi lửa phun trào (Ảnh: Infonet).

Lần gần đây nhất núi lửa Agung phun trào là năm 1963 khiến 1.600 người thiệt mạng. Núi Agung bắt đầu hoạt động trở lại hôm 21/11, khiến 25.000 người sơ tán. Người dân sống trong bán kính hơn 7km được khuyến cáo rời đi.

 

Nên đọc
Minh Hồng (Tổng hợp theo báo Giao Thông, VnExpress)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo