Hàng nghìn hồ chứa nhỏ ở Bắc Bộ nguy cơ mất an toàn cao
“Hồ Phai Luông cũng thấm như hồ này. Bản Cườm gặp sự cố từ năm 2006 giờ càng xuống cấp. Tạm thời an toàn trước mắt chứ về lâu dài là nguy cơ rất cao. Nếu vỡ thì cả nhà van hạ lưu khu tưới sau đập và 60 hộ dân sát đập sẽ không còn gì”- ông Liễu Đoàn Trường, quản lý 2 hồ Phai Luông và Bản Cườm ở xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Còn ông Nguyễn Xuân Yến, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Lục Nam - đơn vị đang quản lý hồ chứa Chùa Ông, một trong 25 hồ chứa xung yếu cần được đặc biệt quan tâm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho rằng: “Dung tích nước trong hồ hiện khoảng 1 triệu mét khối, hiện nay nước thấm thân đập rò rỉ rất nhiều nguy cơ về vỡ đập đe dọa khu vực hạ du là rất lớn. So với ban đầu chúng tôi đã đào mở rộng và "hạ tràn" giảm áp lực nước trong hồ vào thân đập là 1 mét 2. Hạ du của đập hiện nay nếu xảy ra vỡ đập khoảng 300 hộ dân và hơn 200 ha sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề”.
Kinh phí hạn hẹp và không được thường xuyên sửa chữa và tu bổ là tình trạng chung của hồ chứa nhỏ ở khu vực Bắc bộ hiện nay. Điều này càng nguy hiểm hơn khi đập của các hồ chứa nhỏ ở khu vực miền núi cộng với địa hình có dốc lớn nếu sự cố xảy ra không được xử lý kịp thời sẽ trở thành thảm họa đối với dân cư và tài sản của người dân ở khu vực hạ du.
Là địa phương có nhiều hồ thủy lợi nhỏ lớn nhất miền Bắc hiện nay, ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn hiện có gần 618 hồ, đập cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt, trong đó có 25 công trình xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, đòi hỏi có những giải pháp sớm khắc phục.
“Hồ chứa như túi nước ở trên cao nên là khi mà xảy ra sự cố đối với hồ chứa thì là thảm họa. Trong 25 hồ chứa có phương án cụ thể đối với từng hồ về phương án sơ tán dân sẽ có khoảng 200 hộ dân ở ngay sát hạ lưu của đập. Còn những khu vực ảnh hưởng khác thì cũng đã có phương án di dời khi sự cố xảy ra”- ông Lê Thành Chung cho biết.
Cả nước hiện có 6 nghìn 648 hồ chứa thủy lợi phân bố tại 45 tỉnh, thành phố với sức chứa khoảng 13 tỉ m3 nước. Hầu hết hồ chứa được xây dựng từ những năm 60 và 70 của thế kỷ trước. Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không chỉ các hồ đập lớn bị hư hỏng, các hồ đập nhỏ cũng trong tình trạng đáng báo động với tình trạng thấm đập chính, mái đập biến dạng đập tràn có thân bị hư hỏng, xói lở…
Hiện có khoảng 1.200 hồ chứa thủy lợi đang bị xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng, trong đó gần 400 hồ xung yếu tập trung chủ yếu ở miền Bắc có nguy cơ mất an toàn bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi phân tích, hồ chứa thủy lợi hiện được phân làm 2 loại là hồ có van điều tiết và hồ không van điều tiết, để tràn tự do. Đối với hồ tràn tự do, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao bởi hầu hết các hồ này là hồ chứa nhỏ, đập đất, được xây dựng cách đây hàng chục năm bằng công nghệ, kỹ thuật lạc hậu.
Ngoài ra, đa số hồ tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu do cấp huyện, xã quản lý, với trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong điều kiện mưa, lũ cực đoan, cục bộ như hiện nay, khi nước tràn qua đỉnh đập mà đập làm bằng đất nên khó tránh bị vỡ. Đây chính là nguy cơ rất đáng báo động.
“Vừa qua thiệt hại rất lớn đối với các bạn Lào. Đây không phải là sự cố mà là 1 thảm họa. Chính vì thế về công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước ở Việt Nam cần phải coi đây là bài học lớn. Phải chỉ đạo quyết liệt, ngoài việc tiếp tục huy động các nguồn lực tu sửa nâng cấp đập hồ chứa nước đảm bảo an toàn, vấn đề quan trọng nhất ở đây là đảm bảo quản lý các công trình giao cho các địa phương quản lý như chính quyền xã, thôn, bản quản lý phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá lại thực trạng các công trình, đồng thời đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản lý của các chủ hồ”- ông Nguyễn Văn Tĩnh cho biết.
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Biến đổi khí hậu như hiện nay, lũ về bất thường rất nguy hiểm. Đối phó với trường hợp này trong khi chưa có nguồn vốn đầu tư thì chỉ đạo cơ quan quản lý khai thác công trình thủy lợi hạ mực nước hồ để đảm bảo an toàn để đón lũ. Tuy nhiên, việc này cũng ảnh hưởng đến sản xuất trong thời điểm mùa khô lúc đó phải bố trí kinh phí để chống hạn tốn kém chi phí.
Đối với Lạng Sơn hiện nay, thu nội địa khoảng 2.000 tỉ trong khi chi phí hàng năm là hơn 10.000 tỉ, đảm bảo an toàn hồ đập rất cần sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương để sửa chữa, đặc biệt là những hồ chứa nhỏ xuống cấp nghiêm trọng”.
Hạ mực nước hồ "đánh đổi" việc tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân để đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du xem ra là giải pháp tối ưu trước tình trạng xuống cấp của hồ chứa nhỏ và ứng phó mưa, lũ cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của các cấp ban, ngành từ Trung ương đến địa phương trong hỗ trợ, bố trí kinh phí để giải quyết những bất cập trước thực trạng mất an toàn của các hồ chứa hiện nay. Tránh để xảy ra "thảm họa" như sự cố vỡ đập thủy điện vừa qua ở Lào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam