Tin tức - Sự kiện

Hàng nghìn người dân vật vã trên con đường “địa ngục trần gian”

Trẻ con muốn đến trường phải ngồi công nông, khách ở xa tới phải đi ủng, hàng quán ế ẩm phải đóng cửa, thậm chí lợn đến ngày xuất chuồng cũng không bán được vì đường quá bẩn, nhiều vũng sâu ao bùn… Đó là chuyện về 2,8km đường chạy qua xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) suốt nhiều tháng qua.

Vào làng phải… đi ủng

Chúng tôi tới xóm Bình Khanh, xã Khánh Thượng (Yên Mô) vào một ngày nắng ráo, thế nhưng con đường đất dẫn vào làng bì bõm bùn chẳng khác nào mới trải qua một trận “đại hồng thủy”. Những người dân ở đây nhìn chúng tôi với vẻ ái ngại rồi bảo: "Các cô muốn vào làng thì sang khu chợ Bến sắm lấy một đôi ủng mà đi chứ đường sá ngập bùn tận đến đầu gối không lội qua được đâu". Đối với người dân Bình Khang, đôi ủng được xem là vật bất li thân. Chỉ cần nhìn vào chiếc xe, đôi ủng dính đầy bùn đất thì ai cũng nhận ra đó là dân Khánh Thượng.

Bà Dương Thanh Bình người dân xóm Bình Khang (xã Khánh Thượng) cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ ủng trong xã rất cao. Từ khu chợ Bến cho tới các quán trong làng đều kinh doanh mặt hàng ủng. Gia đình tôi tháng nào cũng lấy về trên dưới 70 đôi nhưng đều bán sạch trơn”.

Người dân cũng “tố cáo” rằng, trên con đường này hầu như ngày nào cũng có người té ngã, nặng thì gãy xương còn nhẹ thì chầy xước tay chân, khốn khổ nhất chủ yếu là rơi vào các em học sinh đến trường. 

Đến trường bằng… công nông

Con đường dài 2,8km chạy qua xã Bình Khang là con đường độc đạo dẫn vào khu trung tâm của UBND xã, trường mầm non, trường tiểu học và Trường THCS Khánh Thượng. Tuyến đường này bất kể trời nắng hay mưa đều lầy lội, bùn đất nhão nhoét, nhiều đoạn đường tạo thành những miệng "hố tử thần" chỉ cần sơ sẩy là trượt ngã. Nhất là tháng vừa rồi, trời mưa liên tục, đoạn đường này lênh láng bùn, chỗ cạn thì sen sét đầu gối, còn chỗ sâu ngập lên tận đùi. Người đi xe đạp, xe máy ngập gần nửa xe. Vào những ngày nắng ráo đoạn đường còn tồi tệ hơn, bùn đất cô lại đặc quẹo như "chè đỗ xanh" không nhấc nổi chân khiến việc đi lại rất nguy hiểm và khó khăn.

Bà con ở đây phải huy động 2 chiếc công nông chuyên biệt chở học sinh tới trường, giá mỗi lần đưa đón là 5.000 đồng/học sinh. Theo quan sát, những chiếc công nông chuyên chở học sinh được thiết kế rất sơ sài không có thanh gỗ che chắn hai bên trong khi phía thùng xe luôn quá tải, nhiều học sinh phải ngồi vắt vẻo trên lan can, vô cùng nguy hiểm. Cách đây 1 tuần, phía công an xã đã cấm xe công nông hoạt động trên tuyến đường đang thi công này. 

Vậy là, các em học sinh lại tiếp tục phải lê những đôi ủng nặng trịch đất; phải diện những bộ quần áo lấm lem bùn tới trường. Trước khi vào lớp, học sinh thường tụ tập xuống ao làng rửa sạch tay chân và gột sạch bùn đất trên người. Thầy Phạm Văn Hà - phụ trách đội Trường Tiểu học Khánh Thượng cho biết: “Thời gian gần đây, học sinh thường xuyên đi muộn, nghỉ học, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ con đường tới trường quá lầy lội. Có hôm giáo viên phải chờ 30 phút mới… có học sinh”.

Từ ngày thi công con đường, mọi sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng bị tê liệt. Sáng nào, đội công nhân trong xã cũng phải soi đèn dò dẫm lội bùn lúc nửa đêm mờ sáng cho kịp xe, kịp giờ làm. Các hàng, quán phải đóng cửa vì khách không vào trong xã được. Chú Bùi Văn Toan - xóm Bình Khang (xã Khánh Thượng) buồn rầu: “Đàn lợn nhà tôi hơn 20 con đã đến ngày xuất chuồng nhưng không bán được vì xe ôtô không vào được làng. Cũng có một vài thương lái tới hỏi mua lợn nhưng khi nhìn thấy con đường đành ép giá rất thấp”.

Nhà thầu “án binh bất động”

Ông Phạm Văn Điển - Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: Năm 2012, thực hiện dự án xây dựng nông thôn mới, xã Khánh Thượng đã được Nhà nước đầu tư 100% vốn để làm làm đường – hoàn thành tiêu chí đường giao thông. Số vốn đầu tư làm đường 163 tỷ đồng được chia đều cho 4 xã Mai Sơn, Khánh Thượng, Khánh Thịnh và Khánh Dương. Trong tổng chiều dài là 22km thuộc 4 xã trên, riêng xã Khánh Thượng được Nhà nước hỗ trợ làm đường 2,8km.

Tuyến đường xã Khánh Thượng do UBND huyện Yên Mô làm chủ đầu tư và Doanh nghiệp tư nhân Xuân Khiêm làm chủ thầu. Từ tháng 8.2013, đoạn đường 2,8km thuộc xã Khánh Thượng bắt đầu được thi công. Theo hợp đồng, dự án làm đường sẽ kết thúc vào năm 2014. 

Sau 3 tháng thi công, dự án đã hoàn thành xong quá trình san lấp, giải phóng mặt bằng, và “án binh bất động” kể từ đó. Cũng từ khi đổ đất bồi lấp, tháng 12.2013 trở lại đây, tuyến đường này bị bùn đỏ "tấn công" khiến cho việc đi lại của người dân rất vất vả, hầu như bị "cô lập" hoàn toàn. 

Ông Điển chia sẻ thêm, chính vì dự án làm đường dang dở khiến cho dự án nước sạch bị ngưng lại. Suốt mấy tháng qua, Công ty Cổ phần nước sạch Ninh Bình thúc giục lắp đặt hệ thống dẫn nước cho bà con trong xã nhưng do đoạn đường quá lầy lội nên đành dừng.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo