Thị trường

Hàng nhái, giả ngập chợ điện tử

Sau nhiều quy định, nhắc nhở lẫn xử phạt, trên các chợ điện tử lớn như Lazada, Sendo, Shopee... hàng giả, nhái vẫn được bán công khai.

Dạo một vòng trên Lazada, nhiều chai nước hoa hàng hiệu giá chỉ từ 100.000- 200.000 đồng, thậm chí rẻ hơn. Ví dụ chai nước hoa nữ Chance Eau Fraiche Eau de Toilette 100 ml được rao bán giá 199.000 đồng. Trong khi giá chính hãng trên trang bán lẻ Sephora của Pháp giá tới 102 USD. Hay chai nước hoa nam Lacoste Red 100 ml cũng có giá 199.000 đồng, quá rẻ so với giá 75 USD chính hãng. Rồi nước hoa Goodgirl 80 ml hình chiếc giày nhưng chỉ có giá 99.000 đồng trong khi giá gốc là 90 USD...

Nước hoa Chanel trên Lazada có giá chỉ 199.000 đồng. Ảnh chupjmanf hình.

Lướt trên Shopee cung tương tự, hàng loạt mỹ phẩm nổi tiếng được bán giá bèo như bộ mỹ phẩm 5 món Chanel gồm son, phấn, má hồng, chì kẻ mắt... giá chỉ 130.000 đồng. Trong khi thực tế một cây son Chanel giá không dưới 600.000 đồng. Hoặc thử gõ tìm kiếm “giày Gucci”, khách hàng sẽ choáng ngợp với hàng trăm đôi giày hiệu này từ nữ đến nam, từ bệt đến cao gót... Giá bán cũng phong phú không kém, từ 50.000 đồng đến hơn 300.000 đồng. Ai là tín đồ thời trang cũng cũng biết, một đôi giày hiệu này giảm giá mạnh cũng sẽ không dưới 2 triệu đồng.

Còn trên sàn Sendo, nhiều loại mắt kính được rao bán giá chỉ vài trăm ngàn đồng như kính mát Tommy Hilfiger gọng màu nâu có giá 550.000 đồng. Người bán còn ghi rõ “Đảm bảo 100% hàng xách tay từ Mỹ. Nếu phát hiện hàng giả shop sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Đó là chưa kể vô số quần áo, mỹ phẩm, túi xách, mắt kính khác được đặt tên na ná các thương hiệu nổi tiếng và bán suốt ngày suốt đêm với giá rẻ không thể tưởng tượng. Chẳng hạn "kính mát nam - rb237" với hình ảnh sản phẩm là chiếc mắt kính Raybank, có xuất xứ Hồng Kông và giá bán chỉ 200.000 đồng và cũng kèm theo câu “cam kết hàng chất lượng, chính hãng” ...

Hàng trăm đôi giày Gucci trên Shopee có giá bèo. Ảnh chụp màn hình.

Chủ sàn phải lọc hàng dỏm?

Theo quy định tại Thông tư số 47/2014 của Bộ Công thương, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh. Nhưng như nói trên, chính các sàn này đang công khai bán hàng nhái, giả.

Trước đó, trả lời Thanh Niên đại diện sàn Sendo vẫn khẳng định: “Với vai trò kết nối người mua và người bán, công ty luôn nỗ lực để ngăn cấm người bán kinh doanh các loại hàng hóa vi phạm pháp luật. Công ty có quy trình kiểm duyệt đối với người bán hàng và các tin đăng bán sản phẩm một cách chủ động, đưa ra nhiều quy định xử phạt cụ thể với các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa của các cửa hàng và nghiêm túc thực hiện các chế tài này”. Thế nhưng, sáng 20.6 khi quay lại sàn này thì những món hàng giả, hàng nhái vẫn được bày bán công khai.

 

Theo ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái được bán công khai trên các chợ điện tử đang xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên rất nhiều người biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn mua vì giá thành rẻ, phù hợp. Điều này vô hình chung đã tiếp tay cho vấn nạn này càng lan rộng hơn.

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần có chế tài nghiêm với những sàn giao dịch bán hàng nhái, hàng giả chứ không nên để tình trạng vi phạm công khai, phổ biến như hiện nay. 

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), trong thời gian qua đơn vị này tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua hàng tại website Lazada.vn của Công ty TNHH Recess. Dù Lazada giải quyết thỏa đáng các trường hợp khiếu nại, nhưng do người tiêu dùng tiếp tục phản ánh các vấn đề lặp lại trong quá trình kinh doanh nên cơ quan này sẽ tiến hành thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này trong thời gian tới. Các vấn đề mà người tiêu dùng phản ánh chủ yếu liên quan đến chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ/đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, tự động hủy đơn hàng, quảng cáo giảm giá nhưng người tiêu dùng phải mua với giá chưa giảm…

Nên đọc
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo