Hàng nhái, hàng giả vào Việt Nam: Muốn hàng gì, cần là có!
1. Xuống bến xe Việt Tú Nam, Quảng Châu, Trung Quốc lúc 8 giờ sáng (là 7 giờ, giờ Việt Nam) thì 9 giờ, tôi đến chợ đồ da nằm trên đường Jiefang Beilu và đường Ziyuangang Lu. Đây là nơi xuất xứ của những chiếc ví da, túi xách - phần lớn nhái những thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Prada, Gucci, Hermes, Burberry, Chanel…, mà dân "đánh hàng" gọi là "real fake - nhái y như thật".
Do đã liên lạc qua mạng Internet từ trước nên lúc vừa tới cổng chợ, tôi bấm điện thoại gọi cho một phụ nữ tên Hà. Chuông reo hai ba lần, đầu dây bên kia vang lên một giọng Bắc: "Ai gọi tôi đấy?" - "Vâng, tôi là Vũ, hôm trước đã email cho chị".
"À…", giọng người phụ nữ có vẻ hớn hở: "Anh đang ở đâu?" - "Tôi đứng trước chợ đồ da". “Vậy thì anh rẽ tay trái, đến gian hàng số 48, em đang ở đấy".
Tôi sang Quảng Châu lần này là để tìm hiểu con đường vận chuyển hàng giả, hàng nhái về Việt Nam. Trước đó, tại chợ An Đông, quận 5, TP HCM, bà Kim, chủ một sạp bán ví da, túi xách có xuất xứ Trung Quốc nhưng nhãn mác là của nhiều hãng thời trang nổi tiếng phương Tây đã cho tôi địa chỉ email của Hà vì tôi tự giới thiệu với bà rằng tôi đang tìm hiểu các chủng loại hàng hóa để mở một shop ở Phú Quốc!
Bà nói: "Mấy năm trước, muốn mua hàng nhái thì phải qua tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay rồi trả giá. Mua xong, lại phải "trần ai khoai củ" mới đưa được hàng về tới Sài Gòn. Còn bây giờ anh qua bển làm chi cho mất công, vừa tốn tiền lại vừa phí thời gian. Chỉ cần ngồi nhà "on-lai" (online) là thấy ngay mọi mẫu mã, giá cả. Nếu đồng ý mua, cứ chuyển tiền cho họ rồi chậm nhất là 10 ngày sau, hàng giao tận nhà, bảo đảm không bao giờ mất mát, thất lạc".
Quả đúng như bà nói, trên các trang mạng mua bán trực tuyến của Trung Quốc như 1688.com, taobao.com, alibaba.com, paipai.com…, hàng nhái nhiều vô thiên lủng. Thôi thì "kính thưa" tất cả mọi loại đồng hồ, kính mát, giày dép, ví da, thắt lưng, túi xách…, tất cả đều có hình ảnh, giá cả rõ ràng.
Về phía Việt Nam, cũng có hàng chục công ty chuyên vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vào thử một trang web có tên "dathang...", ngoài phần quảng cáo bảo đảm an toàn và chính xác 100%, tôi thấy việc mua bán được công bố rất cụ thể.
Thí dụ mua một món hàng nào đó với giá 600 nhân dân tệ (bằng 2.100.000 đồng tiền Việt) thì khi đến tay người nhận, nó sẽ thành 2.420.000 đồng. Liên hệ với một nữ nhân viên của công ty này, tôi được cô giải thích: "Giả sử món hàng đó nặng 6kg, giá 600 tệ thì anh phải chịu 35.000 đồng tiền Việt là thuế vận chuyển nội địa Trung Quốc, phí giao dịch là 105.000 đồng, cước cân nặng 180.000 đồng, tổng cộng 2.420.000 đồng". Tôi hỏi hàng sẽ được vận chuyển bằng cách nào, thì cô đáp: "Ôtô hoặc xe lửa".
Về cách mua hàng và phương thức thanh toán, vẫn cô nhân viên "dathang…" cho biết: "Anh cứ vào các trang mua bán trực tuyến của Trung Quốc (cô kể ra một lô 9-10 tên) rồi chọn hàng. Sau đó anh gửi cái link (đường dẫn đến trang web ấy) cho chúng tôi. Khoảng nửa tiếng sau, chúng tôi sẽ báo giá cho anh rồi anh chuyển khoản qua ngân hàng cho chúng tôi 90 hoặc 100% số tiền trị giá của đơn hàng".
Tôi hỏi: "Nếu chuyển tiền rồi mà không có hàng, hoặc hàng hóa thất lạc, mất mát hoặc không đúng với chủng loại tôi đã đặt thì sao?". Cô nhân viên cười nhạt, ra cái điều tôi là người chắc lép: "Chúng tôi làm ăn uy tín, có địa chỉ văn phòng, có số điện thoại. Từ trước đến nay chưa ai chuyển tiền cho chúng tôi mà mất hoặc không nhận được hàng. Nếu không đúng mặt hàng anh mua, chúng tôi đổi lại. Nếu mất hoặc hư hỏng trong quá trình vận chuyển, chúng tôi đền".
Khi giao hàng sẽ nhận được cả nhãn mác. Chỉ cần dập vào là thành hàng hiệu.
2. Vài phút sau, tôi gặp Hà. Đó là một phụ nữ khoảng 35 tuổi, người tương đối đẫy đà, mặc quần thun đen, áo len, bên ngoài khoác thêm cái áo da màu nâu. Vừa nghe tôi xưng tên, Hà nói: "Rõ khổ! Em đã bảo anh rồi là sang làm gì cho mất công. Cứ ngồi ở nhà, mọi việc em lo hết". Tôi cười: "Thì cũng muốn đi một lần cho biết". Hà hỏi: "Bây giờ anh định "đánh" mặt hàng gì?". Tôi đáp: "Chắc là túi xách thôi, khoảng 4-5 loại, mỗi loại chừng chục cái".
"Duyệt ngay!" - Hà cười tít mắt rồi bảo "đi theo em". Ngang một góc của một cửa hàng, tôi thấy cả chục người đang hí hoáy xếp túi xách vào những chiếc thùng các tông, cạnh đó là những chiếc thùng "mốp" đã được dán băng keo cẩn thận. Theo lời Hà, hàng trong thùng "mốp" là những loại hàng dễ vỡ như mắt kính, đồng hồ đeo tay, nước hoa, phấn son, điện thoại, máy tính bảng… Tôi hỏi nó sẽ được đưa đi đâu? Hà đáp: "Nếu hàng nhỏ gọn thì chúng em gửi xe khách Quảng Châu, Đông Hưng, tiếp theo là Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) hoặc Quảng Châu, Bằng Tường, sau đó qua Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), còn nếu nhiều thì thuê nguyên chuyến xe tải”.
Tôi hỏi tiếp, rằng làm thế nào qua được cửa khẩu thì Hà lại cười: "Rõ ông anh ngây thơ quá. Về đến Đông Hưng chẳng hạn, chúng em có người cõng hàng qua biên giới. Sang bên kia, hàng biến thành "made in Vietnam", có hóa đơn chứng từ đàng hoàng. Lúc nhận được hàng, ông anh chỉ cần tháo cái “made in Vietnam” ra rồi dập mác Gucci, Louis Vuitton vào là thành hàng hiệu ngay tắp lự".
Đi khoảng 500 mét, Hà ra dấu chỉ tôi vào một cửa hàng, chủ là một phụ nữ, người Hoa. Xì xà xì xồ với nhau mấy câu, bà chủ lôi từ trên giá trưng bày xuống hàng chục chiếc túi xách. Và mặc dù trên tất cả các túi đều không có nhãn hiệu, nhưng Hà vẫn dịch như máy: "Cái Gucci này triệu tám, Louis Vuitton cũng vậy. Chanel thì rẻ hơn, triệu sáu còn Prada chẵn hai triệu. Anh xem đi, cái nào ưng ý anh để riêng ra. Trả tiền xong, anh viết địa chỉ họ tên, số điện thoại người nhận rồi giao cho em và cứ yên tâm về. Đảm bảo với ông anh chậm nhất 10 ngày sau, anh nhận đủ không thiếu một cái".
Tôi cắm cúi chọn lựa, bụng bảo dạ mấy em "hotgirl" nổi lên nhờ cái thủ thuật hạ cấp khoe mông, khoe ngực, khoe đồ lót như Ngọc Trinh chẳng hạn, khoác cái túi này ra đường thì ai dám nói là hàng giả bởi lẽ nó được may rất khéo, lớp da thuộc mềm mại, các đường chỉ khâu đều tăm tắp, tuyệt nhiên không thấy một vết lỗi. Khóa kéo mạ vàng, kéo trơn tru, không sượng. Ở quai xách, hai nếp da may khít vào nhau, thẳng băng, liền lạc. Tôi hỏi: "Còn nhãn hiệu thì sao?". Hà đáp: "Khi giao hàng cho ông anh, sẽ kèm theo cả nhãn, khuyến mãi cho anh luôn cái bộ dập nhãn. Vị trí dập sẽ được đánh dấu trên túi, ông anh cứ thế mà làm".
Sau khoảng một tiếng, tôi chọn được 50 chiếc túi xách. Kêu Hà dịch cho bà chủ cửa hàng để riêng ra, tôi nói với Hà: "Anh qua lần đầu, đâu dám mang tiền nhiều. Anh gửi cho một dịch vụ ở chợ An Đông chuyển giúp. Họ hẹn 1 giờ trưa nay giao tiền nên bây giờ anh về khách sạn đợi họ, khoảng 2 giờ anh quay lại" - "Ôi giời! Sao trong "meo" (email) anh không bảo. Lần sau cứ gửi thẳng tiền cho em, phí nhẹ nhàng chứ không cắt cổ như cái bọn dịch vụ. Mà anh ở khách sạn nào?". Tôi đáp: "Cái khách sạn 7-8 tầng ở gần bến xe đó. Tiếng Hoa anh không biết nên đâu hiểu nó tên gì".
Bước ra đường, Hà nhanh nhảu vẫy một chiếc taxi cho tôi, miệng tía lia với anh tài xế Trung Quốc. Giây lát, Hà nói: "Anh trả nó 30 tệ. Em dặn nó 2 giờ quay lại đón anh, đưa anh thẳng đến đây chứ anh không biết tiếng thì đi lại vất vả lắm, không khéo lại mất cả tiền".
Tôi lên xe, thở phào rồi lập tức tháo cái sim điện thoại giá 60 tệ ra, nhét vào bóp. Cái sim mua ở Đông Hưng tôi mới chỉ dùng để gọi một cuộc về nhà, một gọi cho Trần, bạn tôi, là giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản ở quận 11, TP HCM đã sang Quảng Châu từ một ngày trước để báo cho Trần biết là tôi cũng đã đến Quảng Châu, nhắn một tin cho con trai tôi, một tin cho đồng nghiệp và một cuộc gọi cho Hà. Bây giờ, nó đã làm xong nhiệm vụ của nó. Tôi cảm thấy áy náy khi nghĩ đến 2 giờ chiều nay, Hà sẽ mỏi cổ đợi tôi, một khách hàng với 50 chiếc túi xách không bao giờ có thật.
Nhân dân tệ được dịch vụ chuyển tiền giao tận tay, không thiếu một đồng.
3. Trong suốt 4 ngày ở Quảng Châu, qua những gì mắt thấy tai nghe, có thể nói việc mua bán hàng nhái, hàng giả ở Quảng Châu và việc chuyển số hàng này về Việt Nam nằm trong một dây chuyền khép kín. Khi bên bán - là phía Trung Quốc giao hàng cho các công ty hoặc cá nhân trung gian người Việt, mỗi lô hàng đều có mã riêng nên không thể lẫn lộn.
Theo tìm hiểu của tôi, dân "đánh hàng" rất tin tưởng vào các công ty vận chuyển hoặc các đầu mối trung gian vì từ trước tới nay, chưa hề xảy ra chuyện "bùng hàng". Gửi bao nhiêu tiền là nhận đủ bấy nhiêu, gửi bao nhiêu hàng cũng được giao trả sòng phẳng, còn việc nhanh hay chậm thì tùy thuộc vào việc có "tắc biên" - nghĩa là biên giới có bị Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường kiểm tra chặt chẽ hay không.
Đi kèm với việc mua hàng nhái, hàng giả là dịch vụ đổi tiền, chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nếu như trước kia, người mua hàng phải đổi từ tiền Việt ra nhân dân tệ (NDT) tại các chợ biên giới rồi mang trong người - lắm khi là cả vài chục nghìn NDT với nỗi lo mất mát, trấn lột hoặc vi phạm thủ tục xuất nhập cảnh thì bây giờ, đã có những dịch vụ chuyển tiền.
Vẫn bà Kim ở chợ An Đông cho tôi biết: "Anh gọi số điện thoại 04351910… hoặc 08032818… rồi cho họ biết anh muốn chuyển bao nhiêu tiền, người nhận là ai, tên gì ở Quảng Châu. Hoặc nếu anh có tài khoản trong ngân hàng ở Quảng Châu thì anh nói với họ. Tiền anh chuyển cho họ chỉ sau 5 phút là trong tài khoản của anh báo có liền".
Trước lúc sang Quảng Châu, tôi đã gọi thử số điện thoại này. Đầu dây bên kia, một nhân viên giải thích: "Nếu anh muốn nhận 10.000 NDT ở Quảng Châu thì anh chuyển qua ngân hàng cho chúng tôi 350 triệu tiền Việt, kèm theo 175.000 đồng cước phí và cho biết họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người nhận, thời gian giao tiền". Còn nếu muốn thanh toán tiền mua hàng cho đối tác Trung Quốc, tôi cũng chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản của họ đồng thời cung cấp thông tin người nhận. Sau khi giao tiền cho đối tác xong, qua email, họ sẽ gửi lại tôi hóa đơn - là bằng chứng xác nhận đối tác đã nhận đủ tiền.
Bên cạnh các công ty chuyên làm công việc chuyển tiền, cũng có những cá nhân tham gia dịch vụ này - và làm ăn rất uy tín! Như chị Hà chẳng hạn, khi tôi sang Quảng Châu và nếu tôi muốn nhận 10.000 NDT ở đó thì trước lúc đi, tôi chỉ cần chuyển cho người nhà của chị ở Hà Nội 350 triệu đồng cùng 175.000 cước phí. Sang đến nơi, tôi điện thoại cho chị ta biết tôi đang ở khách sạn nào, đường gì thì chậm nhất là 1 tiếng sau, tôi nhận đủ 10.000 NDT.
Theo tìm hiểu của tôi, các công ty, cá nhân làm dịch vụ chuyển tiền qua biên giới hiện nay hoạt động công khai và không gặp phải bất cứ một trở ngại nào. Ngoài tiền cước phí trả cho ngân hàng, còn họ có phải đóng thuế hay không thì tôi không rõ…
End of content
Không có tin nào tiếp theo