Hàng Tết, chưa bán đã nghĩ chiêu chống ế
Nhiều doanh nghiệp cho hay lượng hàng Tết năm nay cung ứng ra thị trường tăng mấy chục phần trăm so với mọi năm. Tuy vậy, hiện cũng không ít doanh nghiệp đang căng sức ra mà không dễ bán được hàng.
Tung chiêu quái để bán hàng
Năm nay, doanh nghiệp làm hàng thực phẩm Tết lo ngại nhất là sức tiêu thụ dự báo thấp. Khảo sát thị trường cho thấy, hàng Tết đã tràn ngập ở siêu thị, cửa hàng, chợ lẻ... Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có bán hết hàng hay không phụ thuộc vào việc họ vận hành các sản phẩm dịch vụ, cung ứng như thế nào.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc công ty Vissan thừa nhận mặc dù chuẩn bị tới 600 tỷ đồng hàng tết, tăng 20% so với năm ngoái, nhưng khả năng “đẩy” hết được số thực phẩm khổng lồ này trong điều kiện sức mua còn yếu là bài toán nan giải.
Trong khi đó, sợ phải ôm “hàng ế”, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc công ty Saigon Food, cũng cho hay các năm trước, sức mua tháng Tết cao hơn tháng bình thường từ 50-80%, nhưng năm nay Saigon Food cũng chỉ dám chuẩn bị lượng hàng thành phẩm nhiều hơn tết năm trước khoảng 10%, khoảng 500 tấn và thực hiện giải pháp vừa sản xuất vừa theo dõi thị trường để điều chỉnh chứ không sản xuất đón đầu tràn lan.
Hầu hết các đại lý đều lấy hàng nhỏ giọt vì ngại hàng sẽ khó bán, điều này cũng khiến không ít doanh nghiệp lo lắng. Khi các kênh lớn lưu thông hàng hóa bị thu hẹp thì đến nay, nhiều doanh nghiệp phải bắt tay vào bán hàng trực tiếp để vớt vát doanh số. Thay vì trông chờ vào sức bán hàng từ các đại lý, doanh nghiệp đều phải tăng cường điểm bán lẻ tại các siêu thị, chợ truyền thống. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn nhận giao hàng tận nhà với số lượng nhỏ lẻ.
Theo bà Lâm, mỗi ngày Tết, doanh nghiệp phải tìm cách để bán được doanh số gấp đôi ngày thường mới có thể đạt chỉ tiêu giống như năm ngoái. Như vậy phương châm bán hàng của Saigon Food năm nay sẽ là “không để đứt hàng tại các điểm bán”. Để làm được điều này, công ty bố trí lịch giao hàng từ 3 giờ sáng. Các ngày cao điểm sẽ giao hàng ba lần/ngày, cứ hết là “châm” ngay. Tại mỗi điểm bán hàng, công ty cắt cử thêm nhân viên túc trực để làm sao đảm bảo lúc nào cũng có hàng trên kệ.
“Chúng tôi cũng lên kế hoạch giao hàng ban đêm, ngày nghỉ. Cứ khi nào người tiêu dùng cần là sản phẩm phải có mặt”, bà Lâm nói.
Ngày Tết, vào các giờ cao điểm thường hay xảy ra tình trạng kẹt đường, nhiều khi nguồn hàng không tới kịp... chuyện này cũng được doanh nghiệp tính đến. Năm nay, trước Tết năm ngày, Vissan được thành phố cấp phép 30 xe tải chạy trong giờ cao điểm. Công ty đã bố trí đội xe 60 chiếc chuyên cung cấp thực phẩm, bất cứ giờ nào trong ngày.
Để đảm bảo doanh số, hút dòng tiền cuối năm về két, một số doanh nghiệp còn có sáng kiến giảm giá, khuyến mãi trực tiếp đến hệ thống đại lý để họ san sẻ trách nhiệm “đẩy” hàng Tết.
Mùa kinh doanh hàng Tết luôn là cơ hội để các doanh nghiệp gỡ gạc doanh thu cả năm. Tuy nhiên năm nay doanh nghiệp sản xuất hàng lớn lại đang “mướt mồ hôi” bán hàng để tránh lỗ hơn là cầu lãi.
Mặc dù đầu tư mạnh về công nghệ để sản xuất các mạnh hàng bánh mứt cho dịp Tết nhưng nhiều chủ cơ sở sản xuất cũng như các doanh nghiệp lớn đều thừa nhận bị hàng nhập lậu đánh “phủ đầu”. Việc bán hàng đã khó lại càng khó hơn khi hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đang nhân rộng khắp các chợ.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ cơ sở sản xuất bánh mứt Minh Tâm, cho biết: “Năm nay chúng tôi chú trọng dòng sản phẩm mứt dẻo hút chân không. Giá sản phẩm không tăng nhiều, dao động từ 130.000-250.000 đồng/kg tùy loại. Thế mà, dù ở mức giá nào cũng bị đánh bại bởi các loại mứt nhập lậu tràn ngập khắp chợ”
Tại các chợ Bình Tây, Kim Biên, An Đông,... các sạp chợ bày bán nhiều loại kẹo đủ màu sắc sặc sỡ từ kẹo bắp, kẹo chocolate đến các loại kẹo trái cây, thạch,... giá chỉ 50.000-80.000 đồng/kg. Các loại kẹo này được tiểu thương chứa trong các bao nylon 5-10kg, chỉ có một số loại có ghi xuất xứ còn đa phần là không ghi xuất xứ, nơi sản xuất. Một số tiểu thương cho biết, đấy là hàng của Trung Quốc nhưng cũng có một số tiểu thương lại bảo với người mua đó là kẹo Đài Loan, Thái Lan.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, phó tổng giám đốc Bibica, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bánh kẹo nội địa đối mặt mùa hàng Tết năm nay là việc phải cạnh tranh với các loại hàng nhập khẩu không rõ chất lượng, hạn dùng từ các nước, nhiều nhất từ Trung Quốc, Malaysia có giá khá rẻ.
Ngoài ra, một số dòng bánh cao cấp công bố là nhập khẩu từ châu Âu, nhưng thực chất là sản xuất tại các nước châu Á và đóng gói tại Việt Nam, nhưng được bán với giá rất cao. “Một số loại bánh cao cấp của ngoại nhập đã qua hạn sử dụng 12-18 tháng (chỉ còn 6-12 tháng sử dụng) được đưa về Việt Nam để thay đổi bao bì, bán với giá rẻ hơn 20-40% giá sản phẩm mới cũng gây ngộ nhận cho người tiêu dùng”, ông Hoàng nói.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo