Quốc tế

Hàng trăm người thiệt mạng do nắng nóng lên gần 50 độ C

(DNVN) - Chỉ trong vòng 1 tuần, tại Ấn Độ đã có tổng cộng 135 người thiệt mạng (chủ yếu vì say nắng) do phải hứng chịu một đợt nóng kỉ lục với nhiệt độ thấp nhất là 40,8 độ C và cao nhất lên tới 49,5 độ C.

Theo tin tức trên báo Zing.vn, báo cáo mới nhất từ giới chức Ấn Độ ngày 13/4 cho biết 24 người thiệt mạng do nắng nóng ở bang Orissa, đưa tổng số người chết vì nắng nóng trong tuần này trên cả nước lên 135 người.

"Văn phòng Ủy ban Cứu trợ Đặc biệt báo cáo 24 người ở bang Orissa đã thiệt mạng do nắng nóng", một quan chức Ấn độ cho hay.

Theo trang UPI, hầu hết trường hợp tử vong do say nắng khi nhiệt độ tăng lên ngưỡng 40,8 độ C vào ngày 12/4, mức nhiệt được ghi nhận tại 19 địa điểm của bang Orissa.

Một người đàn ông mệt lả nằm ven đường bởi nắng nóng.

Nhiệt độ cao nhất đo được ở thị trấn Titilargth là 49.5 độ C. Nhiệt độ tại là thủ phủ Bhubaneswar, nơi có 800.000 dân, là 45,8 độ C vào ngày 11/4.

Nhiệt độ tăng cao một cách bất thường trong tuần đầu tiên của tháng 4 với một vài khu vực ghi nhận sự chênh lệch nhiệt độ tới hơn 5 độ C.

Theo tin trên báo Tiền Phong, tuần trước, chỉ tính riêng tại hai bang Telengana và Andrha Pradesh cũng đã có 111 người thiệt mạng vì nắng nóng. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do say nắng. Đặc biệt, cách đây 1 năm, tại 2 bang này đã có hơn 2.300 người tử vong vì nguyên nhân tương tự.

Đợt nắng nóng cũng xuất hiện trên diện rộng ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc Ấn Độ. Các nhà dự báo khí tượng cho rằng: do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên đợt mưa thường xảy ra vào tháng Tư hàng năm năm nay đến muộn hơn thường lệ. Nhiệt độ khí quyển cũng liên tục tăng cao kể từ đầu tháng Tư.

Cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn Ấn Độ dự đoán tình trạng nắng nóng này vẫn sẽ duy trì trong vài ngày tới, nhưng có thể sẽ suy giảm dần vào cuối tháng. Khi đó, người dân có thể sẽ được đón nhận một đợt gió mùa kèm theo mưa.

 

Hiện tại, khu vực nằm sâu trong đất liền ở Ấn Độ vẫn đang phải chịu cảnh hạn hán và thiếu nước trầm trọng do năm 2015 quá khan hiếm mưa.

Nên đọc
HÒA HẬU (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo