Hàng tỷ USD vốn giá rẻ sẵn sàng chờ doanh nghiệp Việt
Ông James S.Lewis, đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (US Ex-im Bank) sáng 15/10 tại Hà Nội cho biết, Chương trình tài chính hỗ trợ xuất nhập khẩu thương mại của US Ex-im Bank tại Việt Nam cam kết rót tín dụng lên tới 1,5 tỉ USD cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cam kết về khoản tài trợ này, trên thực tế đã được ký kết từ năm 2011 giữa US Ex-im Bank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và đã có những dự án đầu tiên được giải ngân. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên US Ex-im Bank đến và giới thiệu trực tiếp với các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, các khoản vay ưu đãi với lãi suất cạnh tranh (khoảng từ 2-2,88%/năm) sẽ được US Ex-im Bank cấp vốn cho các ngân hàng Việt Nam để cho các doanh nghiệp vay mua sắm hàng hóa, dịch vụ và máy móc từ Mỹ cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, y tế…
Chương trình hỗ trợ tín dụng này được mở rộ̣ng cho cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ… ở nhiều lĩnh vực, miễn là hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu phù hợp với các mục đích ưu tiên nói trên và được bảo lãnh bởi ngân hàng thương mại trong nước.
Vietnam Airlines đã vay 400 triệu USD mua 4 chiếc Boeing 777, và cam kết vay hơn 400 triệu nữa mua 4 chiếc Boeing 787.
Chương trình nằm trong kế hoạch Tổng thống Obama nhằm tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam, gấp đôi lên trong vòng 5 năm. Tính từ năm 2007 tới nay, số vốn US Ex-im Bank bảo lãnh để cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam vay để mua hàng của các doanh nghiệp của Mỹ đã tăng lên rất nhiều. Có thể kể đến các dự án nổi bật như: hơn 400 triệu USD cho Vietnam Airlines vay mua 4 chiếc Boeing 777, cam kết hơn 400 triệu nữa cũng cho Vietnam Airlines mua 4 chiếc Boeing 787, cam kết cấp tín dụng hỗ trợ mua vệ tinh viễn thông và các hàng hóa dịch vụ khác cho dự án Vinasat-2 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trị giá 118 triệu USD…
Theo ông James S.Lewis, năm 2011, số vốn mà US Ex-im Bank bảo lãnh thông qua chỉ khoảng hơn 32 triệu USD, nhưng sẽ tăng rất nhanh nhờ vào chương trình 1,5 tỷ USD nói trên. Theo đó, từ đầu năm 2012 tới nay, số vốn được thông qua đã lên tới 237 triệu USD.
Ông James cho biết, Việt Nam là 1 trong 9 nước được ưu tiên trong chương trình cấp vốn của US Ex-im Bank (cùng với Indonesia, Ấn Độ, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Mexico, Colombia, Brazil). 3 lý do để ưu tiên cho Việt Nam đó là: Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP rất đều đặn trong khi các nước trên thế giới đang suy giảm, không có tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm; Việt Nam có nền chính trị ổn định; Việt Nam có nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở cao.
Đại diện US Ex-im Bank cho biết, ông đánh giá rất cao tiềm năng của Việt Nam, trong đó nổi bật là tăng trưởng GDP. Theo đó, mặc dù hiện tại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và tăng trưởng tín dụng thấp là 1 vấn đề nhưng nền kinh tế sẽ cân bằng trở lại và US Ex-im Bank đang chuẩn bị cho các nhu cầu vốn của doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đại diện này cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam, tình trạng sở hữu chéo phức tạp và sự thiếu minh bạch của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông James cho biết, US Ex-im Bank đang hợp tác với một số ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc cung cấp thông tin về các doanh nghiệp muốn vay vốn…
US Ex-im Bank là 1 tổ chức ít cho vay trực tiếp, thông thường chỉ đứng ra bảo lãnh các khoản vay cho của các ngân hàng thương mại Mỹ hoặc các ngân hàng quốc tế như của Anh, New Zealand, Úc… với lãi suất thấp và mục đích là đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Mỹ.
Số liệu thống kê cho thấy, sau BTA năm 2001, thương mại song phương Việt Nam - Mỹ đã tăng rất nhanh, tăng 7 lần từ mức 2,9 tỷ USD vào năm 2002 lên 21,9 tỷ USD năm 2011.
Đoàn Huế (Theo VEF)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Đà Nẵng: Liên tiếp xử phạt bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tại quận du lịch trọng điểm
Nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông