Thị trường

Hàng Việt tìm chỗ đứng ở Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cường công tác khảo sát, xây dựng chiến lược marketting để đưa hàng vào thị trường đông dân nhất thế giới.

Cạnh tranh bằng chất lượng

 

Ông Đặng Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty nhôm, inox Kim Hằng, vừa kết thúc chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc. Trao đổi với Thanh Niên, ông Hùng cho biết: “Dự kiến năm nay chúng tôi sẽ đưa hàng sang Trung Quốc. Kế hoạch đến năm 2015 phải có được một vị trí nhất định, thành công bước đầu ở thị trường này.

 

Chúng tôi không chủ trương cạnh tranh bằng giá rẻ mà bằng chất lượng, tạo sự khác biệt. Tôi sẽ cho người tiêu dùng Trung Quốc trải nghiệm sự khác biệt về chất lượng sản phẩm. Theo tôi, chất lượng là tiêu chí số 1 chinh phục thị trường này”.

 

Tương tự, ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Minh Long 1, cũng tự tin khi nói về thị trường này: “Chỉ có thể thành công ở thị trường Trung Quốc bằng hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Cô dâu tốt không sợ mẹ chồng khó tính, hàng Việt chất lượng tốt không sợ gì không thành công ở thị trường Trung Quốc”.

 

Cơ hội chia đều

 

Lâu nay, tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là rất ngán thị trường Trung Quốc “thứ gì cũng có, giá cực rẻ” nên chỉ đưa hàng sang thị trường này theo kiểu thăm dò. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những doanh nghiệp mạnh dạn đột phá vào thị trường này bằng hàng hóa chất lượng cao, kế hoạch kinh doanh bài bản đều đã đạt những thành công bước đầu. Đó là câu chuyện của cân Nhơn Hòa, Bita’s, Vinamit...

 

Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bita’s, phân tích: “Chúng ta cứ nghĩ sai lầm rằng hàng Trung Quốc giá rẻ nên hàng Việt vào thị trường này cũng phải rẻ. Thực tế không phải vậy, vì người Trung Quốc lo sợ nhất hàng hóa chứa chất cấm, chất độc. Nếu chúng ta chứng minh sản phẩm chất lượng tốt sẽ chiếm được tình cảm của họ”.

 

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, sản phẩm nào của Việt Nam cũng đều có cơ hội tốt vào thị trường Trung Quốc. “Tôi bảo đảm vỏ xe của Casumina đưa vào thị trường này tốt dù họ có sản phẩm cùng loại.

 

Trung Quốc “trùm” về mì gói nhưng mì gói VN đưa vào vẫn tiêu thụ tốt. Gạo Trung Quốc rất nhiều, ngon nhưng họ vẫn ăn gạo Việt Nam, Thái Lan. Điều quan trọng để hàng Việt thành công trên thị trường Trung Quốc là phải tạo được cho sản phẩm sự khác biệt về thương hiệu, bao bì, hương vị, đặc biệt là khác biệt về chất lượng”, ông Viên nói.

 

 

 

Cần hợp lực tìm cơ hội

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, kể khi tiếp đoàn DN TP.HCM khảo sát thị trường TQ hồi đầu tháng 5, điều đầu tiên ông Tô Quốc Tuấn, Tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu, đề cập là cần thay đổi tư duy khi làm ăn với TQ. Ông Tuấn cho rằng quan trọng nhất là tháo gỡ rào cản về tư duy để đẩy mạnh giao thương chính ngạch với TQ mới hạn chế được rủi ro, tránh bị ép giá.

 

Nhiều người ngại làm ăn ở đây dễ gặp rắc rối, bị giả thương hiệu, bị lừa, nên không yên tâm. Có người cứ thích tận dụng kiểu làm ăn tiểu ngạch, vừa dễ vừa gần. Thêm vào đó, TQ rộng lớn quá, hiểu biết không rõ, không sâu, lại không chủ động tìm tới những DN có kinh nghiệm đi trước, càng đẩy DN Việt vào thế bị động...

 

Nhưng rào cản lớn nhất là nhà nước chưa có chính sách khuyến khích rõ ràng cho xuất khẩu chính ngạch và hạn chế những thiệt thòi, rủi ro kéo dài trong làm ăn tiểu ngạch. Từ kinh nghiệm của một số nước ASEAN đã đưa được hàng hóa chiếm ưu thế trong siêu thị TQ, ông Tuấn cho rằng các DN Việt cần hợp lực để khai thác các cơ hội vào thị trường TQ.

 

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo