Hàng Việt vất vả giành khách hàng
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Namˮ đã góp phần giúp người tiêu dùng (NTD) ý thức hơn trong việc chọn mua hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tổng kết năm năm chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đây cho thấy sản phẩm Việt vẫn chưa thu hút được khách hàng. Nhiều sản phẩm bị những lỗi tiểu tiết gây trở ngại cho NTD, chất lượng, mẫu mã kém, không bắt mắt…
Mất điểm vì những tiểu tiết
Nhiều NTD bực bội, lúng túng vì những tiểu tiết gây trở ngại hoặc không tiện dụng của sản phẩm.
Chị Lê Thị Thảo (quận Tân Bình) đang mua sắm tại một siêu thị. Chị tần ngần trước hai cây lau nhà xoay, một của Việt Nam và một là hàng ngoại. Chị chọn ngay hàng ngoại dù giá cao hơn vài chục ngàn đồng. Lý do là trước đây gia đình chị từng mua về cây lau nhà loại hàng Việt, dùng chưa lâu thì bị trục trặc không xoay được, mua phụ tùng thay thế không có. Trong khi hàng ngoại hỏng có thể mua phụ tùng thay thế, sửa lại để dùng.
Hay phàn nàn của chị Lệ - nhân viên của một doanh nghiệp máy tính: “Đúng là hàng Việt ngày càng tốt hơn, mẫu mã cũng bắt mắt hơn, giá cả vừa phải. Song những tiểu tiết như chai nước mắm, khi dùng dao cắt phần núm xong thì nắp khó mà đóng lại cho khít với miệng. Nhiều lúc rất bực mình”.
Một số chị em nội trợ phản ánh chai dầu ăn có khi bật nắp thì quai bị đứt, phải dùng dao khoét để có chỗ rót dầu. Hay lồng đèn Việt Nam dạng lắp ráp có hướng dẫn cách lắp ráp không ăn nhập gì với chiếc lồng đèn… Sản phẩm gia dụng bằng nhựa của thương hiệu DT trong nước có mẫu mã đẹp, giá cả có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhưng dễ bị phai màu. Hay sản phẩm quần áo thời trang các thương hiệu như NinoMax, Blue Exchange, Việt Thy… hầu như quanh năm chỉ thấy có vài kiểu dáng rất chán, mẫu mã không mới.
Doanh nghiệp nhỏ đầu tư yếu
Vì sao một số hàng tiêu dùng của Việt Nam ngày càng cải tiến về mẫu mã, chất lượng hơn nhưng những tiểu tiết gây bất tiện trên sản phẩm vẫn chưa được khắc phục?
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food, chia sẻ những phản ánh từ NTD liên quan đến sản phẩm doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp nhận được. Song để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu NTD thì chỉ có những DN lớn mới thực hiện được. DN nhỏ có khi biết các tiểu tiết trên sản phẩm gây trở ngại cho NTD nhưng họ ngại thay đổi do không có điều kiện. Chẳng hạn muốn thay đổi mẫu mã bao bì phải có khuôn mẫu, phải đặt số lượng lớn, tối thiểu là 10.000 cái đối tác mới chịu in. Nếu sản phẩm tiêu thụ hết trong vòng vài tháng may ra DN có thể thay đổi bao bì được. Còn sản phẩm tiêu thụ cả năm trời mới hết thì phải chấp nhận sử dụng bao bì cũ rồi sau đó mới in bao bì mới.
Bà Quỳnh Đoan, Giám đốc thương hiệu Việt Thy, cho biết thật ra mỗi thương hiệu có phân khúc đối tượng khác nhau nên DN sẽ chọn xu hướng thiết kế khác nhau (đồ sản xuất theo kiểu cơ bản hay đồ thiết kế). Tuy nhiên, DN chỉ đầu tư mới khi thị trường sôi động, còn thời gian qua thị trường quá yên ắng, sợ rủi ro nên các DN đầu tư dè chừng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), phân tích các DN Việt làm theo kiểu ăn chắc mặc bền, mẫu mã cho đẹp, công năng cho tốt nên không có điều kiện thay đổi thiết kế liên tục. Đầu vào của DN Việt có chi phí quá cao nên DN mình bị vòng xoáy đi xuống, nghĩa là nếu sản phẩm DN không thay đổi, thị trường sẽ không chọn sản phẩm đó nữa. Một khi DN không bán được sản phẩm thì họ lại không thay đổi mẫu mã nữa. Do vậy sự cạnh tranh ở đây là điều rất đáng lo ngại.
Cần Nhà nước và nhà phân phối hỗ trợ
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ đối với những DN lớn, khi đưa sản phẩm mới ra thị trường đương nhiên DN có sự nghiên cứu trước, ghi nhận phản hồi của NTD (sau khi sản phẩm ra thị trường) để điều chỉnh cho phù hợp với NTD. Hiện nay một số DN có tiềm lực đã sử dụng số liệu của các đơn vị tư vấn. Đơn cử như Vissan đã hợp tác với một số đơn vị tư vấn để ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh, trong việc tung ra sản phẩm mới… Trong khi đó các DN vừa và nhỏ không đủ lực, cần Nhà nước có các chính sách như cung cấp các số liệu, nghiên cứu thị trường, tư vấn cho họ…
Đồng tình, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng DN cần Nhà nước hỗ trợ trong việc kết nối với thị trường. Ở ta DN hiện nay đang tự bơi. Ở nước ngoài, những chi phí như đào tạo đội ngũ, cung cấp thông tin thị trường, chi phí đi hội chợ nước ngoài… đều do nhà nước tài trợ cho DN. Còn DN Việt thì không có được những điều đó.
Một giải pháp rất hiệu quả đó là các nhà phân phối nên chia sẻ thông tin về sản phẩm của DN đó đang ở vị trí thứ mấy, được lựa chọn như thế nào. Từ đó DN sẽ có chiến lược, chiến thuật để phát triển. Còn hiện nay phần lớn các DN chỉ thực hiện được việc nghiên cứu ra sản phẩm mới, tung ra thị trường thời điểm nào. Ngoài ra, cái để DN nhận diện mình đang bán hàng tốt là nhìn vào diện tích trưng bày to hay nhỏ, mặt bằng đẹp hay xấu. Còn để xác định thị phần, mình đang ở đâu thì DN không có điều kiện để làm.
Bà LÊ THỊ THANH LÂM, Phó Tổng Giám đốc Công ty
Cổ phần Saigon Food
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết