Tin tức - Sự kiện

Hành động quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng

Với mức tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 4,89%, cộng thêm những dự báo không thuận về tình hình kinh tế - xã hội trong các tháng tới, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra lời cảnh báo về khả năng tăng trưởng kinh tế thấp, thậm chí khó đạt mục tiêu đề ra cho năm 2013.
Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2013 mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố, dự báo rằng, năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 5,2%, còn năm tới là 5,6%. ADB đưa ra dự báo này kèm theo một điều kiện là nếu Việt Nam đạt được tiến bộ trong việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và sự phục hồi của các nền kinh tế công nghiệp lớn tạo động lực trong năm 2014.
 
Quý I/2013, tăng trưởng GDP tuy cao hơn chút ít so với quý I năm 2012, song điều đáng quan ngại là, ngoại trừ khu vực dịch vụ, thì tốc độ tăng trưởng của cả khu vực công nghiệp, lẫn nông nghiệp đều thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.
 
Đơn cử, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chỉ đạt 4,95%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua (năm 2010 tăng 5,21%; năm 2011 tăng 7,74%; năm 2012 tăng 5,8%). Và tuy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ, nhưng con số này của năm ngoái là 5,9%.
 
Trên thực tế, cũng đã có những dấu hiệu cho thấy, sản xuất công nghiệp có thể sẽ tốt hơn trong thời gian tới, như tốc độ nhập khẩu các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất đã có sự cải thiện, nhưng chính Ngân hàng ANZ cũng đã khẳng định, vẫn còn quá sớm để cho rằng, đó là tín hiệu tốt về hoạt động kinh tế của cả năm nay.
 
Tương tự như vậy, có thể nhìn vào dòng tiền của nền kinh tế - hiện luân chuyển rất chậm để lo ngại về khả năng tăng trưởng trong năm nay. 3 tháng đầu năm, dù cung tiền M2 tăng 3%, nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng 0,03%. Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân chậm so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư xã hội quý I/2013 theo giá hiện hành ước đạt 195,3 ngàn tỷ đồng, bằng 28,6% GDP trong đó riêng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ước thực hiện 35,2 nghìn tỷ đồng, đạt 20,1% kế hoạch cả năm. Ở một nền kinh tế mà tăng trưởng phụ thuộc rất lớn vào đầu tư và vốn, thì đây là những chỉ báo cho thấy, động lực cho tăng trưởng đang ở mức thấp.  
 
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động vẫn ở mức rất cao, thậm chí gần tương đương với số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2013 (15.300 so với 15.700). Cùng với đó là nợ xấu chưa được giải quyết, thị trường bất động sản vẫn đóng băng, tồn kho vẫn còn ở mức cao, tổng cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện…
 
Trong bối cảnh đó, điều đáng lo ngại là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế – từng được kỳ vọng đẩy mạnh trong năm nay, triển khai còn chậm. Các biện pháp ngắn hạn, nhằm hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp và thị trường đã được đề ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường của Chính phủ cũng chưa được triển khai quyết liệt, cho đến nay vẫn còn thiếu những hướng dẫn chi tiết của các bộ, ngành...
 
Rõ ràng, nền kinh tế chưa thoát khỏi dấu hiệu trì trệ. GDP tăng thấp đồng nghĩa với tụt hậu xa hơn so với các nước khác trong khu vực và gây ra những hệ luỵ lớn. Năm 2013 lại là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, do đó việc không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng sẽ để lại gánh nặng lớn cho 2 năm cuối của kế hoạch về mặt xã hội, nhất là công ăn, việc làm, an sinh xã hội.
 
Trong bối cảnh đó, cùng với việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách, nhiệm vụ bức bách là phải thực thi có hiệu quả các chính sách đã đề ra, nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2013, 02/NQ-CP của Chính phủ. Và để làm được điều này, phải xử lý nghiêm khắc những tổ chức và cá nhân chây ỳ, chậm trễ trong việc thực hiện những nhiệm vụ đã được đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ. Tóm lại là phải hành động, hành động quyết liệt.
 
 
 
 
Công Duy
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo