Hành trình tìm “chìa khóa” mở cuộc đời của lão thợ khóa câm điếc thông thạo 4 ngoại ngữ
Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục gây ngạc nhiên khi viết, dịch thạo 4 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới là: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và đọc hiểu được cơ bản tiếng Nhật. Tất cả các kiến thức trên đều do ông Tường tự học. Nghị lực vươn lên của người đàn ông này thực sự là tấm gương cho những ai đang bị “bức tường” tự ti ngăn cản trong cuộc sống.
Bài học lớn từ việc mưu sinh
Ông Tường tên đầy đủ là Nguyễn Bách Tường (SN 1957, Quận 10, TP.HCM). Ông hành nghề sửa khóa ở con hẻm 617 đường Cách mạng tháng 8. Hàng chục năm qua, đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều người khi cần sửa khóa, cắt chìa. Người ta mến ông bởi cái tâm với nghề, luôn uy tín với khách hành. Nhưng điều làm mọi người cảm phục nhất ở ông lão này là khả năng ngoại ngữ vượt trội. Ông sử dụng được 5 ngoại ngữ mặc dù bị câm điếc bẩm sinh và chưa một ngày được cắp sách tới trường.
Câu chuyện của chúng tôi và lão thợ sửa khóa đặc biệt diễn ra trên những trang giấy viết tay, bên lề đường nơi ông hành nghề. Ông bảo, kể từ khi biết chữ, cây bút là thứ hiện thực hóa những ý nghĩ, điều muốn nói của ông với người khác.
Bắt đầu câu chuyện, ông lôi từ trong hộp đồ nghề ra một chồng sách gồm rất nhiều cuốn từ điển tiếng Anh, tiếng Việt… và những cuốn sổ viết tay đã nhàu. Ngoài công việc sửa khóa hàng ngày thì đây là thế giới riêng của ông. Nó như cánh cửa giúp ông vượt qua “bức tường” tự ti về câm, điếc để đến với tri thức của nhân loại.
Chữ đã làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi vượt qua sự tự ti của số phận bất hạnh”, ông lão bùi ngùi.
Ông Tường sinh ra trong gia đình nghèo có 9 anh chị em. Từ nhỏ, ông đã không được may mắn như bạn cùng trang lứa. Lúc mới sinh ông hoàn toàn bình thường nhưng khi tập nói thì ú ớ mãi không thành lời, về sau thì hoàn toàn bị câm.
Dù rất thương con nhưng do nghèo đói, không có tiền đưa đi chữa trị, cha mẹ ông đành bất lực nhìn con lớn lên trong tàn tật. Nghĩ rằng một đứa trẻ câm, điếc không thể đến trường nên cặp vợ chồng nghèo cũng đành để đứa con tội nghiệp “đói” chữ.
Trong con mắt bạn bè trang lứa trong xóm, cậu bé Tường khi đó chỉ là đứa mù chữ, câm, điếc, đi đâu cũng bị dè bỉu, trêu chọc. Vì thế, Tường mặc cảm không dám bước chân ra khỏi nhà. Cuộc sống của cậu hầu như gắn liền với bốn bức tường nhà.
“Tôi chỉ bị câm điếc bẩm sinh, còn về suy nghĩ thì hoàn toàn bình thường. Dù thế, vì các bạn đều xa lánh nên tôi không biết phải giao tiếp với mọi người thế nào, đành quanh quẩn ở nhà suốt ngày. Nhưng càng lớn, tôi càng ý thức được rằng cứ giam mình trong nhà thì chỉ thêm u uất, tuyệt vọng.
Chỉ có một cách thay đổi số phận của mình, đó chính là đối diện với nó và làm thay đổi nó. Và điều đầu tiên là phải khẳng định mình có năng lực thật sự. Với suy nghĩ ấy, tôi bắt đầu ra ngoài tìm cơ hội nghề nghiệp”, ông lão sửa khóa nhớ lại.
Năm 16 tuổi, ông Tường tới một tiệm sửa khóa để học nghề. Người thầy cùng cảnh ngộ thương cậu bé tàn tật ham học nên đã truyền hết kinh nghiệm. Sau 1 năm cần cù học hỏi, ông Tường đã thành thạo nghề và bắt đầu sắm tủ sửa khóa ra góc chợ Tân Bình kiếm sống.
Ban đầu, do không thể nghe, nói nên tiệm sửa khóa của chàng thanh niên câm, điếc luôn ế ẩm. Nhận thức được việc kinh doanh ế ẩm là do “thương hiệu” nên ông Tường lò mò ra tiệm photo với mục đích in danh thiếp, in tờ rơi quảng cáo về cửa hàng của mình.
Nhưng oái oăm, khi người photo hỏi in nội dung thế nào thì ông chỉ biết ngớ người ra bởi chẳng biết diễn giải thế nào. “Tôi rất buồn và ngại. Nhưng nhờ lần đó mà tôi nhận ra tất cả là vì mù chữ, chữ chính là “chìa khóa” để một người có hoàn cảnh như tôi có thể hòa nhập với xã hội. Vậy là tôi quyết định phải học được chữ”, ông Tường nhớ lại.
Bí quyết tự học 5 ngôn ngữ
Nghĩ là làm, đầu tiên, ông Tường tự mua bảng chữ cái về nhờ người quen chỉ dạy, sau đó học lại. Khi đã thuộc bảng chữ cái, ông tập ghi chép lại tên các con đường ở phố thị. Ông còn đi ghi những chữ trên các biển quảng cáo vào tập vở và về học thuộc nó. Chữ nào không biết ông nhờ hàng xóm, người nhà chỉ dạy. Cần mẫn trong vòng ba tháng, anh thợ sửa khóa đã tìm ra quy luật ghép từ, đọc, viết được một câu dài… Từ câu, ông tập viết đoạn văn rồi viết bài văn dài.
Ông kể: “Thời gian đầu tôi học mọi lúc mọi nơi, cứ rảnh lúc nào là học lúc ấy. Trong hộp đồ nghề sửa khóa luôn có cuốn vở viết, lúc vắng khách là tôi lấy ra thực hành”. Kiên trì như vậy gần 2 năm, chàng thanh niên mù chữ đã viết được những gì mình nghĩ. Sợ không được học chính thống, dùng từ ngữ chưa chính xác, ông Tường còn mua thêm mấy cuốn từ điển tiếng Việt, Hán - Việt về học thêm.
Ngày xưa, khách hàng chủ yếu là người quen quanh xóm hoặc nơi làm, nhưng từ ngày biết chữ, anh thợ sửa khóa câm điếc đã có thêm nhiều khách mới. Nhờ làm cẩn thận, nhiệt tình lại chăm chỉ đi phát tờ rơi quảng cáo nên công việc ngày càng thuận lợi.
Ông Tường cho biết, ban đầu mục đích học chữ là để phục vụ công việc, nhưng càng học càng thấy thú vị nên ông muốn biết nhiều chữ hơn. Nhiều hôm gặp phải chữ Hán khó nhưng trong sách từ điển lại không có, ông không bỏ cuộc mà tiếp tục lên mạng tìm kiếm.
Và cũng từ những lần đó, ông vô tình gặp một bạn người Mỹ cũng câm điếc giống mình trên mạng. Người bạn ấy cùng hoàn cảnh lại biết tiếng Việt nên cả hai trò chuyện rất cởi mở, thân mật. Song vốn tiếng Việt của người bạn không nhiều, còn ông lại mù tịt tiếng Anh nên nhiều lúc muốn nói thêm mà không được. Một đôi lần, người bạn trách, ông thông minh như vậy sao không học thêm ngoại ngữ để trò chuyện với nhau nhiều hơn.
Được bạn khích lệ, hướng dẫn, ngày hôm sau, ông vào ngay nhà sách mua liền hai cuốn từ điển và sách dạy tiếng Anh cơ bản về học. Vừa học vừa thực hành với người bạn Mỹ, chỉ khoảng 2 năm, ông đã giao tiếp thành thạo.
Ông vỡ ra rằng, học ngoại ngữ cũng không khó như mọi người nghĩ, quan trọng phải xuất phát từ sự đam mê và nhu cầu muốn dùng nó vào cuộc sống. Điều may mắn, trong danh sách bạn bè trên mạng, ngoài người Anh, Mỹ còn có rất nhiều người đến từ nước Đức, Pháp, Hà Lan… có thể làm “thầy” cho ông.
Ban đầu, ông học một số từ vựng, sau đó chủ động làm quen và nói rõ ý muốn của mình. Những lúc đi làm, không lên được mạng ông lại tranh thủ học khi vắng khách. Mỗi ngày ông học khoảng 3 giờ, duy trì như vậy suốt mấy chục năm qua.
Đến nay, ông lão sửa khóa đã có thể đọc viết thành thạo 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Ông còn đang “lấn sân” sang tiếng Nhật. Thỉnh thoảng, gặp những du khách nước ngoài sang Việt Nam du lịch, ông lại chủ động làm quen để thực hành vốn ngoại ngữ của mình. Những vị khách thân thiện còn ghé qua tiệm hoặc lại nhà ông lão ham học trò chuyện.
Ông Tường cho biết, từ khi có “cái chữ”, mọi người đã có cái nhìn khác về ông. Đặc biệt, nhiều người còn bày tỏ sự cảm phục vì ông có thể sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ đến thế. Ông chia sẻ: “Bây giờ người ta hay gọi vui tôi là “ông thợ giàu chữ”.
Thực sự thì việc học chữ đã làm thay đổi số phận vốn nhiều trắc trở, bất hạnh của tôi. Ngày xưa tôi không dám nghĩ tới việc yêu ai, lấy ai làm vợ bởi công việc “bèo bọt”, lo thân mình còn khó thì lo được cho ai. Nhưng từ khi biết chữ, có nhiều khách hàng, mối quan hệ của tôi được rộng mở hơn, trong số đó cũng có nhiều cô gái để ý. Đó cũng chính là cơ duyên đưa tôi đến với bà xã”.
Sống bằng an vì bằng lòng với những gì mình có
Năm 28 tuổi, ông Tường gặp một cô gái cùng cảnh ngộ câm điếc bán hàng trong chợ Bến Thành. Cả hai thương nhau, một năm sau thì trở thành chồng vợ. Sau ngày cưới, đôi uyên ương thuê một căn phòng ở ngoại thành. Sáng sáng vợ đi bán hàng, chồng đẩy xe ra đường hành nghề sửa khóa, thu nhập không nhiều nhưng gia đình lúc nào cũng hạnh phúc. Ba cô con gái của lần lượt ra đời, đều ngoan và học giỏi. Nhưng rồi vợ ông đã không thể tiếp bước cùng chồng sau một cơn đau tim đột ngột. Ông ở vậy sửa khóa nuôi các con. Hơn 20 năm nay, niềm an ủi lớn nhất của ông là các con dần trưởng thành và có công việc ổn định. “Sự quan tâm của các con giúp tôi thêm nghị lực, vui vẻ lao động. Đến nay, gia đình tôi đã mua được nhà riêng, tuy không lớn nhưng vô cùng ấm áp vì đó là thành quả bao năm tích cóp. Đời tôi như vậy là may mắn hơn rất nhiều người rồi”, ông Tường tâm sự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng