Hãy di dời tháp nước khỏi Côn Đảo
Ông TRẦN NGỌC CHÍNH (chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho hay:
"Tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi là người tham gia xây dựng quy hoạch Côn Đảo đầu tiên từ năm 1981. Đến năm 1991 hay 1992, quy hoạch Côn Đảo được Thủ tướng phê duyệt. Vì vị trí và tính chất đặc biệt quan trọng của Côn Đảo nên Bộ Xây dựng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị quy hoạch huyện đảo này phải được Thủ tướng phê duyệt, chứ không đơn giản quy hoạch của một huyện mà Thủ tướng phải phê duyệt.
Chính phủ và người làm quy hoạch hết sức quan tâm đến Côn Đảo, do đó tất cả những công trình kiến trúc, quy hoạch kiến trúc ở Côn Đảo phải cân nhắc rất kỹ, từ con đường, hàng cây đến công trình, nhà ở phải nghiên cứu để có sự hòa hợp, bãi biển phải được giữ gìn không gian.
Tôi còn nhớ vào năm 2008, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cuộc thi quốc tế tìm ý tưởng quy hoạch Côn Đảo và tôi được mời làm chủ tịch hội đồng giám khảo.
Lúc đó có hơn 10 phương án dự thi. Điểm chung của các phương án dự thi đều thể hiện cần phải bảo tồn, phát huy di tích Côn Đảo từ rừng đến cảnh quan kiến trúc, cảnh quan bãi biển và di tích lịch sử.
Sau đó, Viện Quy hoạch trung ương phối hợp cùng đơn vị đoạt giải nhất làm quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt. Những cái này (công trình cảng tàu khách Côn Đảo) chưa có trong phương án được chọn của cuộc thi.
Chỗ để xây những công trình cảng tàu này có thể ra khu vực Bến Đầm vì chức năng của nó ở ngoài đó, còn trong này (khu vực vịnh Côn Sơn) chỉ làm khu vui chơi, giải trí thôi.
Đọc thông tin về dự án cảng tàu khách Côn Đảo, tôi hết sức bất bình và ngạc nhiên. Tôi không hiểu tại sao họ lại cho xây đài nước ở vị trí hết sức nhạy cảm như vậy? Côn Đảo đang phát triển như thế, đang đẹp như thế, tự nhiên làm một cái chẳng đúng gì cả!
Vấn đề phải làm rõ là ai quyết định việc xây công trình này? Dự án này có nằm trong quy hoạch, có báo cáo cho cơ quan chủ quản, Bộ Xây dựng và trung ương có biết không? Và dự án này để làm cái gì? Tôi chưa bao giờ nghe Bộ Xây dựng nói về việc này.
Dù công trình có vốn 160 tỉ đồng hay bao nhiêu đi nữa mà nếu có quy hoạch nhưng cảm thấy không đúng thì phải điều chỉnh. Còn nếu không đúng quy hoạch rồi thì bao nhiêu tỉ đồng cũng phải xử lý, xem xét. Nếu cứ nói đã lỡ xây rồi, phạt cho tồn tại thì không còn ý nghĩa gì cả.
Trong đất liền, ở vị trí không phải nhạy cảm mà làm không đúng quy hoạch, người dân đã có ý kiến. Huống gì Côn Đảo là nơi hết sức linh thiêng, nơi được gọi là “bàn thờ Tổ quốc”.
Gìn giữ cảnh quan, di tích của Côn Đảo là gìn giữ cho thế hệ mai sau, vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa bảo tồn không gian.
Công trình trên chẳng có ý nghĩa gì trong việc bảo tồn cảnh quan, không gian, di tích mà ngược lại còn giảm ý nghĩa này đi."
Ông NGUYỄN HỮU MẠNH (nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay:
"Không thể bày những thứ đó được. Trước đây khi được hỏi ý kiến về công trình này, Sở Xây dựng đã có văn bản phản đối và lưu ý phải đặc biệt quan tâm đến không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan chung khu vực cũng như giá trị thẩm mỹ kiến trúc của công trình.
Tại sao họ lại cho xây dựng công trình ở đó được, trong khi về quản lý đô thị chúng tôi đã có văn bản, về quy hoạch không có công trình? Vị trí đó như bãi Trước Vũng Tàu, làm sao có thể bày những thứ như vậy được?"
Du khách đã “kêu cứu”
Đi khắp các bãi biển Việt Nam, tôi thích nhất là tắm biển Côn Đảo và đã nhiều lần đưa khách đến. Biển quá đẹp, chưa phố thị xô bồ và người dân còn chân chất. Vừa rồi trở lại Côn Đảo, tôi ra về trĩu nặng ưu tư.
Giữa đảo ngọc sinh thái, đầy ắp hồn lịch sử, sao cho phép xây dựng tháp nước tổ chảng án ngữ ngay mặt tiền chính? Tháp nước như một tên lửa khổng lồ xé toạc cảnh quan! Càng ngạc nhiên hơn là ngày nay khắp Việt Nam chẳng ai xây bồn nước kiểu này để tăng áp lực nước cả. Đó là chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ.
Kỳ quái hơn, bên cạnh tháp nước nhức mắt là hàng trăm trụ ximăng trắng toát, mới nhìn cứ ngỡ đó là bãi chông để chống đổ bộ. Hỏi ra là đang thi công những dãy nhà dịch vụ phục vụ bến tàu ngay trên biển (?). Cần cầu tàu, nhà dịch vụ, sao không chuyển lên bờ?
Những chuyện này ai cũng thấy và bức xúc, từ người dân địa phương đến du khách. Mọi người đều tiếc cho Côn Đảo đang bị “hủy hoại nhan sắc” một cách vô lý mà chưa có cách ngăn chặn hiệu quả. Vậy mà chất vấn thì chính quyền địa phương chỉ thấy “hơi bị chướng”(?).
Nhiều du khách điện thoại cho tôi kêu cứu: “Làm cách gì gỡ quả tên lửa - tháp nước đó khỏi Côn Đảo?”. Đem đi đâu bây giờ và ai phải chịu trách nhiệm?
Trước đây Côn Đảo đã bị “vô tình phá hoại” khi có người cho quét vôi lại toàn bộ phòng giam, xóa bỏ những dấu tích kiêu hùng của các thế hệ tù nhân cách mạng. Đó là những lời thề viết bằng máu, chứng nhân cho lý tưởng và khát vọng tự do. Bài học đó quá đắt.
Thiết nghĩ dù tốn kém, bây giờ cũng phải dời tháp nước khỏi Côn Đảo, điều chỉnh lại dự án cảng tàu khách. Hãy đối xử lễ độ với Côn Đảo, đó là sự tôn trọng cần thiết với anh linh của hàng vạn chiến sĩ đã bỏ mình trên đảo ngọc.
Nếu có thay đổi, phải ưu tiên nâng cấp sân bay để có thêm nhiều bè bạn năm châu đến với Côn Đảo.
Phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước các dự án mới để Côn Đảo mãi mãi là đảo ngọc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh