Xã hội

Hé lộ nguyên nhân cá biển chết hàng loạt tại miền Trung

(DNVN) - Dải bờ biển chạy qua 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đều ghi nhận cá biển chết hàng loạt. Nguyên nhân ban đầu là do nguồn nước ô nhiễm.

Tin tức trên báo Vnexpress, vài ngày nay, ngư dân xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) phát hiện nhiều loại cá biển như chình, đuối, vẩu… chết hàng loạt ngập cả bãi biển. Vốn là ngư dân có nhiều năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Xuân Thảo (57 tuổi, thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) không thể nào lý giải được nguyên nhân hiện tượng này. Nhiều loài sinh sống ở đáy biển và rất khó đánh bắt, nay cũng chết dạt bờ.

Ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi, trú xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) cùng số cá biển chết dạt vào bờ ông lượm được - Ảnh: Nhật Linh/ Tuổi trẻ.

"Từ nhỏ đến giờ, chưa lần nào tôi thấy cá biển chết một cách kỳ lạ như vậy. Người dân ai cũng hiếu kỳ, muốn biết rõ nguyên nhân lắm", ông Thảo nói và cho hay nhiều ngư dân đã chấp nhận phơi thuyền, không vươn khơi nhiều ngày nay vì những chuyến đi biển giờ không còn nhiều cá để bắt. Hơn nữa, đánh bắt về cũng không bán được vì người dân tưởng cá chết nên không mua.

Hộ ông Nguyễn Văn Tạo (thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh) cùng một số hộ dân có lồng cá, hồ nuôi nằm sát cửa biển Lạch Giang cũng ghi nhận hiện tượng cá chết trắng hồ, bốc mùi hôi. "Hai hôm trước khi thủy triều dâng, nước biển tràn qua nhiều hồ nuôi. Đến khi thủy triều rút đi thì nhiều loài cá trong hồ và ở các sông cũng chết dần, nổi lềnh bềnh", ông Tạo nói.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, tình trạng cá chết xảy ra từ ngày 14 đến 18/4, nằm rải rác trên bờ biển trải dài gần 20 km do xã quản lý. Trong số cá chết do dân gom nhặt, có nhiều loài sống cách xa bờ.

"Đây là hiện tượng rất kỳ lạ, từ trước đến nay tại địa phương chưa hề có. Có hôm, người dân nhặt được con cá vẩu biển nặng đến 35 kg", ông Minh nói và cho hay khi cá chết nhiều, chính quyền đã khuyến cáo người dân không bơm nước từ biển vào hồ nuôi, không ăn cá chết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều địa phương như Lộc Vĩnh (Phú Lộc), Quảng Ngạn (Quảng Điền), Phong Hiền (Phong Điền), đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô)… có ghi nhận tình trạng cá biển, cá nuôi lồng chết hàng loạt. Trong đó có 11 hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại gần 6.000 con. Báo Tuổi trẻ thông tin.

 

Báo cáo cho biết qua phân tích, cả nước biển lẫn nước đầm Lăng Cô bị ô nhiễm, nồng độ PO4 (chỉ tiêu phú dưỡng) ở tầng đáy gấp đôi chỉ số cho phép, làm tăng độ pH trong nước, và nhiều khả năng là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Riêng ở trong đầm Lăng Cô, tảo biển phát triển mạnh cộng với khí độc ở đáy lồng khiến cá thiếu oxy cũng là nguyên nhân. Báo cáo loại bỏ khả năng cá chết vì bệnh, dịch.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện sở các địa phương và các cơ quan liên quan hướng dẫn cho người dân nuôi cá lồng một số giải pháp để tránh tình trạng cá tiếp tục chết.

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và môi trường; UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo về tình trạng cá chết bất thường trên vùng biển Quảng Bình. Báo Thanh niên thông tin.

Để hiểu thêm tình hình, Sở NN&PTNT Quảng Bình có trao đổi với một số cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thì được biết ở Hà Tĩnh cũng có hiện tượng cá chết bất thường ven biển và các lồng nuôi trên sông gần khu công nghiệp Vũng Áng xảy ra từ ngày 6/4 (trước Quảng Bình 4 ngày).

 

Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc - Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã vào xem xét, lấy mẫu kiểm tra và kết luận là do yếu tố gây độc trong môi trường nước (môi trường nước bị ô nhiễm). 

Vì vậy, Sở nhận định có thể dưới tác động của dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo nên nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy vào dọc bờ biển phía nam gây nên hiện tượng cá chết ven biển Quảng Bình từ bắc vào nam theo thời gian. Đến nay vẫn chưa tìm ra yếu tố cụ thể nào của môi trường nước làm cho cá chết bất thường.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo