Hệ số an toàn vốn NHTM Nhà nước suy giảm nghiêm trọng
Cụ thể, theo Trung tâm nghiên cứu ngân hàng BIDV, giai đoạn 2011-2015, tài sản có rủi ro (TSCRR) của khối NHTMNN tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến hệ số an toàn vốn (CAR) của khối giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay – gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3% (đồng thời tiêu chuẩn tính của Việt Nam thấp hơn).
Theo Trung tâm nghiên cứu ngân hàng BIDV, tình trạng vốn tự có tăng không đủ bù đắp mức tăng TSCRR của khối NHTMNN làm suy giảm CAR chủ yếu do 2 nguyên nhân.
Thứ nhất là, khả năng sinh lời của các NHTMNN bị co hẹp (Tỷ lệ NIM (đã trừ DPRR) từ mức 2,5% năm 2011 giảm còn 2,2% năm 2012 và tiếp tục giảm xuống mức 1,7-1,8% giai đoạn 2013 – 2015) do đi đầu trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính Phủ (lãi suất cho vay thấp khoảng 7% trong khi lãi suất huy động theo giá thị trường 4-5%, đồng thời trung bình dư nợ các chương trình trong tổng dư nợ cũng ở mức cao như BIDV lên đến…).
Thứ hai là, trong giai đoạn ngành ngân hàng Việt Nam triển khai nhiều biện pháp để áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế theo Basel trong tính toán CAR nên vừa làm giảm tốc độ tăng Vốn tự có và vừa làm tăng tốc độ tăng TSCRR so với trước đây, từ đó tác động tiêu cực đến CAR.
Khó khăn trong áp dụng các biện pháp tăng vốn
Theo Trung tâm nghiên cứu của BIDV, hiện nay các NHTMNN Việt Nam đang trong tình trạng nan giải khi thực hiện các giải pháp tăng vốn nhằm đảm bảo năng lực tài chính.
Cụ thể, tăng vốn từ giải pháp giảm chi trả cổ tức: Trong giai đoạn 2013 – 2014, theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước toàn bộ cổ tức của NHTMNN không được sử dụng để gia tăng năng lực tài chính của ngân hàng phải chuyển nộp về NSNN. 4 Trong điều kiện các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay thì việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp thuận lợi nhất cho các ngân hàng, tuy nhiên giải pháp này đang gặp vướng mắc từ cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Tài chính (Thông tư 61/2016/TT-BTC yêu cầu phải chuyển toàn bộ cổ tức của cổ đông nhà nước về NSNN).
Nếu xảy ra, có vẻ như vai trò cổ đông của nhà nước tại các NHTMNN đang chưa thực sự chuyên nghiệp và điều này có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai. Ở khía cạnh khác, dường như các NHTMNN ngoài chức năng thực hiện CSTT vốn đã rất năng nề đang phải gánh thêm áp lực từ chính sách tài khóa.
Tăng vốn từ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu, thu hút thêm nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: đây là giải pháp không dễ dàng thực hiện ngay trong ngắn hạn và sự thành công của giải pháp còn phụ thuộc vào 2 yếu tố là mức độ quan tâm của nhà đầu tư và điều kiện thị trường. Hiện nay cả 2 yếu tố này đều không thuận lợi cho các NHTMNN.
Đối với yếu tố thứ nhất, hiện nay tâm lý chung của hầu hết các nhà đầu tư đều đánh giá việc đầu tư vào các NHTMNN là khá rủi ro do năng lực tài chính hạn chế. Đối với yếu tố thị trường, hiện nay ngồn vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán chưa thực sự tốt, việc thu hút nguồn vốn từ nước ngoài cũng khó khăn do xu hướng chung dòng vốn đầu tư quốc tế đang trở lại Mỹ, và ngay cả khi lựa chọn được nhà đầu tư để tăng vốn thì các NHTMNN vẫn còn gặp phải nhiều rào cản. Tình huống hiện nay tương tự như các NHTM Hàn Quốc năm 1997-1998 như đã phân tích ở trên.
Tăng vốn từ giải pháp thực hiện tiết kiệm chi phí quản lý, mở rộng các nguồn thu ngoài lãi: giải pháp này chỉ bù đắp được một phần nhỏ nhu cầu tăng vốn.
Tăng vốn từ nguồn bổ sung NSNN: đây là giải pháp cơ bản nhất, phù hợp nhất trong tình hình hiện nay theo kinh nghiệm các nước trên thế giới (như đã trình bày ở trên) và cũng đã được NHNN cam kết xem xét để thực hiện. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Nguyên nhân cơ bản vẫn là điều kiện ngân sách hiện nay đang eo hẹp và không cho phép thực hiện.
Tăng vốn từ việc tăng khả năng sinh lời và thực hiện điều chỉnh cơ cấu bảng tổng kết tài sản giúp giảm TSCRR: cả 2 giải pháp này đều không khả thi đối với các NHTMNN hiện nay do phải thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đất nước khiến việc cấu trúc lại TSCRR hay tăng lãi suất là không thực hiện được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo