Hết 2015 phải thoái vốn trên 16 nghìn tỷ đồng tại 5 lĩnh vực
Theo Thời Báo Tài Chính, báo cáo Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, Chính phủ cho biết, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn chậm.
Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế tăng trưởng thấp nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; chưa khắc phục hoặc chưa xử lý được những tồn tại về tài chính; thị trường chứng khoán, bất động sản chưa ổn định và tăng trưởng nên việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa còn chậm.
Báo cáo nêu rõ, năm 2014 tổng số vốn đầu tư đã thoái 5 lĩnh vực gồm: Chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng, bất động sản của các Công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước là 4.258 tỷ đồng.
Một số Công ty mẹ có giá trị thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (tính theo giá trị sổ sách) tương đối lớn trong năm 2014 gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực thoái 588 tỷ đồng; Công ty mẹ - TĐ Than khoáng sản Việt Nam thoái 381 tỷ đồng; Công ty mẹ - TĐ Công nghiệp cao su Việt Nam thoái 381 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thoái 780 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thoái 315 tỷ đồng...
Giá trị đầu tư tăng thêm vào 5 lĩnh vực (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) là 1.401 tỷ đồng. Giá trị đầu tư tăng thêm không phải bỏ tiền mua để đầu tư thêm mà do doanh nghiệp được nhận thêm cổ phiếu từ việc chia cổ tức, tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu công ty cổ phần có vốn đầu tư của Công ty mẹ - DNNN.
Như vậy, tổng số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm còn phải thoái theo Đề án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt tính đến 31/12/2014 là 22.363 tỷ đồng.
Báo cáo cũng nêu rõ, năm 2015, lũy kế đến tháng 10/2015, các đơn vị đã thoái được 4.460 tỷ đồng, thu được 4.113 tỷ đồng. Cụ thể: lĩnh vực chứng khoán là 41 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là 1.213 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 105 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 2.930 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 171 tỷ đồng.
Giá trị đầu tư tăng thêm vào lĩnh vực bất động sản là 21 tỷ đồng (Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ góp vốn theo tiến độ dự án và đang thực hiện thủ tục thoái vốn đối với khoản đầu tư này).
Như vậy, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) mà các TĐ kinh tế, TCT Nhà nước cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Lũy kế số thoái vốn vào 5 lĩnh vực nhạy cảm từ năm 2012 đến tháng 10/2015 đã thoái được 9.866 tỷ đồng (bằng 42% số cần phải thoái cuối năm 2011), thu được 9.496 tỷ đồng, đầu tư thêm 4.538 tỷ đồng (do chia cổ tức bằng cổ phiếu).
Hầu hết các TĐ, TCT Nhà nước đều thoái vốn trên giá trị sổ sách, chỉ duy nhất 2 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Ngân hàng TMCP Đại Dương và Tổng công ty Lương thực miền Nam tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam) là dưới giá trị sổ sách.
“Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại Đề án tái cơ cấu nên số phải thoái giảm 1.731 tỷ đồng). Trong đó, lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính – ngân hàng là 9.113 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 6.079 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng”, báo cáo nêu rõ.
Hết năm 2015 còn 173 doanh nghiệp phải cổ phần hóa
Báo VnEconomy dẫn báo cáo cho thấy, tính đến thời điểm 20/10/2015, cả nước đã cổ phần hóa được 116 doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến nay cả nước đã thực hiện cổ phần hóa được 354 doanh nghiệp, và từ nay đến cuối năm 2015, còn phải thực hiện cổ phần hoá 173 doanh nghiệp.
Trong đó, có 61 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, 100 doanh nghiệp đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa và đang thực hiện các bước tiếp theo để xác định giá trị doanh nghiệp.
Cũng tính đến tháng 10/2015, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án tái cơ cấu của 79 tổng công ty Nhà nước do bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu.
Theo đánh giá của Chính phủ, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Và, một trong những nguyên nhân là nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025