Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về việc thu ngân sách cổ tức của Nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Đây là một vấn đề quan trọng được đề cập trong báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, dự thảo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong quá trình thảo luận về ngân sách, đã có ý kiến đề nghị làm rõ và xem xét lại việc thu vào ngân sách nhà nước cổ tức của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước; thậm chí có ý kiến đề nghị thu 100% số cổ tức của Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, có 4 nhóm công ty cổ phần có vốn đầu tư của Nhà nước gồm (i) công ty cổ phần do bộ, ngành là đại diện chủ sở hữu; (ii) công ty cổ phần do các địa phương là đại diện chủ sở hữu; (iii) công ty cổ phần thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; (iv) công ty cổ phần đã bàn giao về SCIC.
Trong những năm qua, mặc dù Nhà nước có vốn góp vào sản xuất, kinh doanh, song chưa thu vào ngân sách nhà nước cổ tức và lợi nhuận được chia mà dành để cho các doanh nghiệp nhà nước tăng vốn chủ sở hữu và đầu tư phát triển.
Trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc tăng cường quản lý và thu về ngân sách nhà nước cổ tức của Nhà nước tại doanh nghiệp chưa chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) như Chính phủ trình Quốc hội là cần thiết, song để làm rõ hơn đối tượng thu và cũng không làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như ý kiến đại biểu Quốc hội.
Trước tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thể hiện rõ trong nghị quyết về việc thu cổ tức được chia năm 2013 và năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Đồng thời, để bảo đảm yêu cầu đặt ra, giao Chính phủ hướng dẫn cơ chế thu, phân bổ và quản lý sử dụng có hiệu quả.
VnEconomy