Hết thời tăng trưởng tín dụng cao
“Chúng ta đã quen với việc tăng trưởng tín dụng ba bốn chục phần trăm, nên có cảm giác bị sốc, chủ trương trong những năm tới mỗi năm tín dụng ngân hàng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-15%. Không thể trở lại thời kỳ trước đây tăng trưởng tín dụng quá cao, sử dụng vốn không hiệu quả đã để lại biết bao hệ lụy cho nền kinh tế”, Thống đốc NHNN cho biết.
Kẻ thiếu người thừa
Trong các cuộc gặp gỡ với các TCTD và DN khu vực Đông Nam bộ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói: “Lúc này các ngân hàng phải xác định kéo các khoản vay cũ xuống dưới 13%/năm như thời điểm năm 2012 các ngân hàng đã từng làm khi kéo các khoản vay xuống dưới 15%/năm”.
Theo Thống đốc, với lãi suất trần huy động 7,5%/năm, nếu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc thì cộng thêm 2,5-3% khoản tín dụng đã có lãi, thị trường có mức lãi vay từ 10-11%/năm. Điều này vào tháng 3/2012 tưởng như mơ, nhưng nay lãi vay xuống thấp đã trở thành sự thực.
Điều mà người đứng đầu ngành Ngân hàng băn khoăn đó là do bất ổn vĩ mô nên hiện nguồn vốn huy động trong hệ thống ngân hàng có đến 80% là vốn huy động ngắn hạn. Nhưng kinh tế vĩ mô ổn định trở lại chắc chắn cơ cấu tiền gửi sẽ thay đổi và người gửi tiết kiệm sẽ chọn kỳ hạn dài hưởng lãi suất cao, vốn trung dài hạn sẽ trở lại ngân hàng.
Trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn đã giảm xuống 7,5%/năm, tuy nhiên DN vẫn đang chờ một cuộc giảm lãi vay của các ngân hàng để tiết giảm chi phí sản xuất. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu lãi suất cho vay giảm có đẩy được tín dụng tăng.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng ở các KCN Bình Dương, hầu hết những DN lớn hiện rất hạn chế vay vốn mà chủ yếu sử dụng vốn tự có. Trong khi DNNVV đang khát vốn, nhưng tiềm lực tài chính và phương án sản xuất kinh doanh không rõ ràng nên vẫn khó tiếp cận vốn.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, đang có xu hướng người đi vay chạy sang các NHTM Nhà nước có lãi suất thấp, còn các NHTMCP chỉ là sự lựa chọn thứ hai. Sở dĩ như vậy do các NHTMCP, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ đang đứng trước nhiều khó khăn do chậm giảm lãi vay, do giá vốn đầu vào luôn cao hơn các NHTM Nhà nước, nên nếu không có hướng đi rõ ràng rất có thể sẽ mất khách hàng.
Hiện lãi vay thương mại thấp nhất được thiết lập trên thị trường là 11%/năm đối với những phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Cá biệt một số khoản vay có sự bảo lãnh của chính quyền địa phương, các ngân hàng lớn cho vay với lãi suất 6%/năm.
Tín dụng hết thời tăng cao
Tín dụng năm nay cũng khó có cơ tăng cao do thực tế các nhu cầu vay vốn không lớn, vì tồn kho. Ông Nguyễn Đình Phục - Giám đốc Vietcombank chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tổng giá trị hàng tồn kho của một tập đoàn trong ngành gỗ thuộc loại lớn nhất nước mà ngân hàng kiểm kê tính đến cuối tháng 3/2013 lên đến 800 tỷ đồng. Cổ phiếu của DN gỗ này giảm mạnh hiện xoay quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu.
“Năm 2012 riêng Vietcombank Bình Dương cơ cấu vốn gốc cho DN này 137 tỷ đồng (trên tổng dư nợ vay tại thời điểm đó trên 430 tỷ đồng), và giảm thời hạn trả lãi 43,9 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2012. Mặc dù vậy chúng tôi tiếp tục duy trì và không cắt hạn mức tín dụng mới đối với DN này” – ông Phục nói.
Lãi vay thấp song người cần vay thì phương án không rõ ràng, năng lực tài chính yếu; DN tốt lại cầm chừng sản xuất. Đó chưa kể nhiều DN còn có tâm lý chờ lãi vay giảm thêm, thậm chí một số lĩnh vực da giày, đồ gỗ… còn đề nghị giảm lãi vay về dưới 10%/năm. Thực tế nhiều DN hiện nay đã ngưng sản xuất nhưng để đối phó với cơ quan thuế và ngành Công thương có những DN vẫn kêu lãi suất cao như một cái cớ để cầm cự chờ thời cơ mới.
Thực trạng các DNNVV do mới lập nên không có tích lũy nên chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, không loại trừ có DN “tay không bắt giặc”. Hoặc vốn tự có một đồng đi vay mượn 3-4 đồng, tổ chức sản xuất kinh doanh không hiệu quả lại càng thêm hao vốn. Từ đó khiến tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, có thể kéo lãi vay xuống dưới 10%/năm nếu lạm phát ở mức 5%, lãi suất huy động khi đó sẽ vào khoảng 6%/năm. “Tăng trưởng tín dụng bao nhiêu không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Nếu cùng một đồng vốn nhưng hiệu quả cao thì hơn gấp nhiều lần bỏ quá nhiều vốn nhưng lại không có hiệu quả cao chưa kể các hệ lụy cho kinh tế vĩ mô”, Thống đốc NHNN, Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Công Duy
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo