Hiệp định CPTPP: Cần linh hoạt biến cơ hội thành hiện thực
Theo các chuyên gia, việc phổ biến thông tin, rà soát và chuyển hóa cam kết vào quy định là những việc cần làm ngay để các ưu đãi của CPTPP được tận dụng hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy cần tránh sửa quy định trong nước quá mạnh so với cam kết.
Trong suốt quá trình đàm phán dẫn đến việc ký kết CPTPP, Việt Nam đã có mục tiêu tạo lộ trình mở cửa phù hợp cho các ngành chịu rủi ro như nông nghiệp hay chăn nuôi, cho thấy những cam kết trên phù hợp cho các lĩnh vực, đặc biệt tạo ra cơ hội lớn cho các ngành mũi nhọn như: dệt may, da giày, đồ uống… Nếu so sánh cơ học, có thể thấy trong khi lộ trình loại bỏ thuế của các nước thường chỉ 3-7 năm thì các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang được hưởng lộ trình dài hơn đáng kể. Cụ thể: thịt gà chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 11-12 năm; thịt heo tươi có lộ trình loại bỏ thuế là 10 năm, thịt đông lạnh cũng 8 năm; đường, trứng, muối chỉ xóa bỏ thuế quan cho một khối lượng nhất định (hạn ngạch) và lộ trình cũng là 6-11 năm...
Đối với sản phẩm nông sản, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được hưởng chính sách ưu đãi về thuế. Nhiều nước trong CPTPP có thể loại bỏ thuế ngay đối với nông sản, nhưng quy trình cấp phép và kiểm tra kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm lại rất ngặt nghèo và vì vậy vẫn có thể ngăn cản nông sản nhập khẩu mà không cần dùng công cụ thuế. Do vậy, câu chuyện nông sản không chỉ có vấn đề thuế. Bảo vệ nông sản Việt Nam trước tác động bất lợi của CPTPP không chỉ dựa vào lộ trình dài mà rất cần các biện pháp khác để góp phần vào mục tiêu này như tăng cường kiểm soát hiệu quả nông sản nhập khẩu (từ các nguồn khác nhau, chứ không chỉ từ CPTPP), tận dụng các ngoại lệ được phép trong WTO để hỗ trợ hiệu quả người làm nông nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển: các mặt hàng của chúng ta khó cạnh tranh với những mặt hàng cao cấp từ nước ngoài vậy sao chúng ta không chọn cách hợp tác phát triển chứ đừng nghĩ là phải cạnh tranh. Trong bối cảnh như vậy các doanh nghiệp nên tận dụng kết hợp chính sách nội địa thông thoáng của Chính phủ; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để tận dụng hiệu quả những hợp tác song phương, đa phương mà Chính phủ ký kết được.
Để áp dụng các qui định trong hiệp định CPTPP vào thực tiễn, tận dụng tối đa cơ hội từ CPTPP, bên cạnh việc phổ biến tuyên truyền, còn một việc khác cũng cần được đẩy mạnh để cụ thể hóa các cam kết CPTPP vào pháp luật nội địa. Việc sửa đổi luật cho từng trường hợp cụ thể cần đồng bộ tránh vướng mắc trong áp dụng, phù hợp với cam kết tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nội địa. Do đó, việc rà soát hệ thống pháp luật với các cam kết CPTPP cần được thực hiện thận trọng, việc sửa đổi cần được thực hiện trong sự tham vấn thường xuyên và đầy đủ giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo