Hiệp định CPTPP

Chiến thuật xuất khẩu gạo trong sân chơi CPTPP

Như bức tranh chung của ngành nông sản, xuất khẩu gạo cũng có thế mạnh riêng trên sân chơi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm hơn 70% / Xuất khẩu gạo vẫn giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm

Tuy nhiên, đứng từ góc độ doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay đang đối diện vô số thách thức.
Thứ nhất, hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật (tiêu chuẩn chế biến bảo quản gạo, chất lượng sản phẩm gạo) là hạn chế lớn nhất mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi xuất khẩu gạo. Phải khẳng định ở Việt Nam, hiếm có một doanh nghiệp nào đảm bảo được hệ thống thiết bị, cơ sở hạ tầng chế biến bảo quản gạo đồng bộ, đạt chuẩn.
Hệ thống kho bãi với máy sấy hiện đại do Nhật Bản cung cấp của ThaiBinh Seed giúp nông sản được chế biến, bảo quản tốt nhất giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng, tăng khả năng cạnh tranh.

Hệ thống kho bãi với máy sấy hiện đại do Nhật Bản cung cấp của ThaiBinh Seed giúp nông sản được chế biến, bảo quản tốt nhất giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng, tăng khả năng cạnh tranh.

Các quốc gia tham gia CPTPP đều có nhu cầu nhập khẩu gạo, nhưng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt chính là rào cản mà gạo Việt Nam cần bước qua để xâm nhập những thị trường ấy.
Không chỉ khâu chế biến bảo quản, ngay từ giống gạo và quá trình sản xuất gạo ở nước ta đã không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cần thiết. Từ nguồn nước tưới tiêu ô nhiễm nặng cho đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu không đảm bảo quy trình, lạm dụng phân bón… đều đi ngược lại các tiêu chuẩn của một giống gạo sạch, chưa nói đến gạo ngon.
Nhìn chung, để tạo nên một giống gạo sạch và quy trình sản xuất gạo sạch, cần phải có sự ý thức và trách nhiệm của cả một cộng đồng. Người Nhật sang Việt Nam thuê đất để sản xuất giống gạo Japonica, họ bỏ hoang đất 3 năm để loại hết tàn dư của thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật rồi mới bắt tay vào canh tác. Người Việt liệu có làm được như thế?
Thứ hai, Việt Nam chưa có sự chuyên môn hóa và hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp trong từng khâu: từ nghiên cứu phát triển giống gạo cho đến chế biến, xuất khẩu gạo thành phẩm. Trong khi đó, phát huy lợi thế của chuyên môn hóa, hợp tác và phát triển mới là con đường giúp gạo Việt Nam giải bài toán giá thành, chất lượng để thành công trên sân chơi CPTPP.
Thứ ba, định hướng xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa rõ ràng và đúng hướng. Thế giới chỉ biết đến gạo trắng Việt Nam, tất cả các loại gạo xuất khẩu ra nước ngoài đều được mặc định là gạo trắng Việt Nam. Nhưng hiển nhiên trong đó có hàng trăm hàng ngàn giống gạo khác nhau, năng suất hiệu quả và hương vị khác nhau, vậy sao lại làm thương hiệu quy về một mối gạo trắng Việt Nam? Một ví dụ nhỏ, chỉ riêng gạo Đồng bằng sông Hồng với gạo Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều khác biệt do điều kiện tự nhiên và khí hậu, chưa nói đến khác biệt cụ thể trong từng giống gạo.
Thứ tư, xu thế sính ngoại của dân Việt cũng là nguyên nhân khiến gạo Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ ở thị trường quốc tế, mà ngay trên chính thị trường nội địa. Trong khi đó, trên thực tế, có rất nhiều giống gạo Việt chất lượng và được các chuyên gia nông sản người Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… đánh giá cao. Thông thường, người ta sẽ đánh giá chất lượng gạo thông qua thời gian tiêu hóa. Gạo Việt Nam nhanh tiêu là do kết cấu tế bào thẳng thay vì tế bào xoắn, hỗ trợ tốt quá trình tiêu hóa.
Thứ năm, xuất khẩu gạo nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung là lĩnh vực nhiều rủi ro: từ rủi ro dịch bệnh, thời tiết và khí hậu cho đến rủi ro trong đầu ra xuất khẩu.
Vì vậy, Nhà nước cần có những đường lối đúng đắn, đồng bộ và xuyên suốt trong việc ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ CPTPP.
Mặt khác, các cấp, các ngành cần có sự kết nối chặt chẽ, quyết liệt, quyết liệt và quyết liệt hơn nữa trong khuyến khích phát triển xuất khẩu nông sản (gạo). Các Bộ, Ban, Ngành cùng cơ quan có thẩm quyền tích cực tuyên truyền thương hiệu nông sản Việt nói chung và gạo Việt Nam nói riêng ra thị trường quốc tế, để xúc tiến thương mại, góp phần hỗ trợ kim ngạch xuất khẩu.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, định hướng thị trường để tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường các hiệp định thương mại với ưu đãi thuế suất để tạo cho ngành nông sản nhiều sân chơi, nhiều cơ hội hơn nữa vươn ra thị trường quốc tế.
Theo Trần Mạng Báo/Diễn đàn Doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm