Thị trường

Tìm đường mới cho xuất khẩu gạo

Sau khi đạt kỷ lục về giá và lượng vào năm 2018, việc suy giảm nhu cầu của hàng loạt các bạn hàng trên thế giới đã khiến xuất khẩu (XK) gạo nước ta gặp nhiều khó khăn.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm hơn 70% / Xuất khẩu gạo vẫn giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm

Vững vàng trong lúc khó khăn

Theo Bộ Công Thương, tình hình XK gạo những tháng đầu năm gặp không ít khó khăn khi những thị trường truyền thống đều đồng loạt giảm lượng gạo nhập khẩu. Cụ thể, Trung Quốc tồn kho rất nhiều và còn trở lại cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo khác (trong đó có Việt Nam) khi XK gạo cũ sang các nước châu Phi. Indonesia hoạt động trầm lắng trong mùa bầu cử và Bangladesh đã khôi phục lại sản xuất sau lũ lụt.

Chủ động tạo thêm dư địa cho XK gạo.

Chủ động tạo thêm dư địa cho XK gạo.

Tuy nhiên, đáng ghi nhận là nhiều doanh nghiệp XK gạo đã nhanh nhạy nắm bắt sự thay đổi về chính sách nhập khẩu gạo của Chính phủ Philippines. Nhờ mở rộng được thị trường này, nên dù lượng gạo xuất khẩu giảm nhưng không giảm mạnh như một số nước khác. Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, giá lúa tươi vụ hè thu thu mua tại ruộng đang tăng dần do các thương nhân đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu gạo sang Philippines, Cuba, Iraq, Trung Quốc và các nước châu Phi. Vào thời điểm đầu tuần thứ 2 của tháng 8, giá đặt cọc lúa tươi IR50404 tại ruộng ở Cần Thơ khoảng 4.200 đồng/kg, tăng đáng kể so với thời điểm trước đó.

Những tháng đầu năm cũng ghi nhận sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường, cơ cấu chủng loại gạo XK, cũng như những nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường mới của các DN XK gạo Việt Nam. Gạo Việt Nam đã được XK mạnh vào thị trường châu Phi, châu Âu và châu Mỹ, khu vực Trung Đông. Dự báo năm 2019, Iraq nhập khẩu gạo Việt Nam với mức ổn định khoảng 300.000 tấn. Nhiều nước châu Phi đầu năm 2019 đã tăng mạnh nhập khẩu gạo thơm của Việt Nam như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nam Phi, Mozambique, Angola.

Tìm cơ hội cho xuất khẩu gạo

Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, hoạt động điều hành XK gạo của các bộ, ngành đã bám sát mục tiêu tiêu thụ, kinh doanh XK gạo. Bộ Công Thương đã đồng thời hoàn tất kiểm tra năng lực cho 22 doanh nghiệp XK gạo theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc, song song với đó hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận chính sách mở cửa của thị trường Philippines, từ đó gia tăng cơ hội XK.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, đã có thêm 42 thương nhân được cấp phép XK gạo.

 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường cung cấp thông tin thị trường, theo dõi các cam kết thương mại gạo đã ký với các quốc gia, khu vực như EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Mexico… từ các FTA nhằm thúc đẩy tăng trưởng XK gạo. Đơn cử, Việt Nam đã có thỏa thuận song phương XK gạo hạn ngạch 10.000 tấn/năm với mức thuế 0% vào thị trường EAEU; Việt Nam cũng vừa đàm phán xong với Hàn Quốc về hạn ngạch XK gạo sang nước này với giá tốt.

Ông Phan Văn Chinh chia sẻ thêm. Cục Xuất nhập khẩu đã trình lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại đặc thù mặt hàng gạo, tổng kết những kết quả đạt được trong triển khai giai đoạn 2015 - 2018 và đề xuất việc triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại đặc thù mặt hàng gạo cho giai đoạn 2019 - 2025. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Cục Xuất nhập khẩu đang phối hợp với các Cục, Vụ, Thương vụ liên quan sớm tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong những tháng cuối năm để phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, tạo thêm cơ hội cho XK gạo.

Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác. Từng doanh nghiệp phải tự kiểm soát chất lượng, giữ vững uy tín, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng gây ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực quản trị để tìm kiếm thị trường mới.
Theo Bảo Ngọc/Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm