Hiệp định CPTPP

CPTPP: Điểm nghẽn của ngành dệt may

(DNVN) - "Điểm nghẽn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là sản xuất được vải. Đây là lĩnh vực ngành đang rất yếu. Ngành cũng đã tìm mọi cách đưa ra giải pháp cho khâu vải nhưng mức độ thành công chưa được như mong muốn..."

Doanh nghiệp Nhà nước góp vốn có mức thưởng Tết bình quân cao nhất / Hiệp định CPTPP: Tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ

Đây là khẳng định của ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệp may Việt Nam tại Hội thảo "CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay Thách thức" diễn ra vào ngày 18/01 tại Hà Nội.
Lợi thế nhiều
Thảo luận về giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức/rủi ro từ CPTPP, chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy cho rằng, dệt may chính là ngành hàng được dự báo sẽ gặp khó khăn nhất và chịu tác động lớn nhất (ở cả nghĩa cơ hội và thách thức) vì những quy định xuất xứ hàng hóa.
Bà Bùi Kim Thùy cho rằng, dệt may là ngành chịu tác động nhiều nhất từ CPTPP.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy cho rằng, dệt may là ngành chịu tác động nhiều nhất từ CPTPP.

Lý giải cho nhận định này, bà Thùy phát biểu: Nhìn từ góc độ kỹ thuật, CPTPP là hiệp định duy nhất Việt Nam tham gia có chương dệt may đứng riêng mà không chung với bất cứ chương nào khác, chưa bao giờ ngành này được ưu ái như vậy.
Đặc biệt, trong tổng số các chương, ngành dệt may từ chương 50 đến 63 là các nhóm hàng phổ biến nhất và được đứng riêng, không bị ghép chung với các chương khác.
Ông Trương Văn Cẩm

Ông Trương Văn Cẩm

Ông Trương Văn Cẩm cho biết, dệt may có những lợi thế nhất định như lực lượng lao động dồi dào, vẫn trong giai đoạn dân số vàng dù hiện tượng già hóa dân số đang xảy ra rất nhanh. Ngành dệt may Việt Nam tính đến nay đã thu hút khoảng 17,5 tỷ USD đầu tư.
"Cơ hội cho ngành dệt may trong CPTPP là mở rộng thị trường sang Mexico, Peru và Canada. Ngoài ra, những tác động khác nhau thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn...cũng có ảnh hưởng tích cực lên ngành dệt may", ông Cẩm nhận định.
Ngành dệt may thu hút 17,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhất là khi các hiệp định thương mại tư do đưa vào đàm phán và chuyển bị kết thúc, làn sóng đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh. Trong giai đoạn 2013-2018, nguồn vốn đầu từ vào ngành dệt may chiếm 9,2 tỷ USD. Đây sẽ là lợi thế giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Điểm nghẽn không ít
Trước câu hỏi "Trong tất cả những vướng mắc của ngành dệt may để đáp ứng được CPTPP, đâu là điểm nghẽn nhất? Chính phủ và hiệp hội cần làm gì để tháo gỡ khó khăn này?", ông Trương Văn Cẩm cho biết: Điểm nghẽn nhất của ngành dệt may Việt Nam là sản xuất được vải. Các DN Việt Nam chưa tiếp cận được các doanh nghiệp sản xuất vải lớn trong nước, dẫn đến phải nhập khẩu đến 12,8 tỷ USD vải.
Quy định xuất xứ từ sợi của CPTTP đã đánh đúng vào điểm nghẽn của ngành dệt may vì hiện vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn sơ xợi, 80% vải...
Về may, Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công. Về trình độ lao động, 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông.
Đề cập đến thách thức của ngành dệt may, ông Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam bàn tới vấn đề in và nhuộm vải.
"Tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp lớn đều xây dựng chuỗi cung ứng, khu công nghiệp với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào một khâu còn khâu sản xuất vải sẽ được lấy từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các khu vực khác.. Việt Nam cần nghiên cứu, ứng dụng mô hình này", ông Sơn chia sẻ.
Dệt may phải làm gì để tận dụng CPTPP?
Theo ông Cẩm, đầu tiên, các doanh nghiệp phải hiểu về CPTTP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may, từ đó, biết chúng ta là ai, có thế mạnh gì và thị trường trong CPTTP có đặc điểm gì để đánh đúng thị trường.
Để giải quyết được điểm nghẽn, các doanh nghiệp mạnh phải liên kết với nhau, cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp, nhất là trong nước và đầu tư nước ngoài. Liên quan đến vấn đề lao động, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh vấn đề đào tạo. Bản thân Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng liên kết với nhiều nước mở lớp đào tạo.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Hiệp hội đã đề xuất lên Chính phủ việc xây dựng những cụm công nghệ tập trung có công nghệ xử lý nước thải. Giải pháp thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực ví dụ như thiết bị dạy học, học phí và học bổng để thu hút học sinh, sinh viên vào ngành dệt may.
Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của nhà nước, địa phương. Nhà nước cần có chính sách phát triển trong 10-15 năm tới để tận dụng hiệp định này. Hiện, một số địa phương quay lại với dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm nhưng nhiều dự án của các nhà đầu tư danh tiếng, có đầy đủ yêu cầu thì lại không được cấp phép. Vì vậy, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Sơn kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách để doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn. Nhiều nơi có thể phát triển mô hình này nhưng hiện các tỉnh mới nhận thức có mức độ, 80-90% nói không với dệt nhuộm bởi lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hưởng lợi, câu hỏi đặt ra là làm sao để thu hút doanh nghiệp, trong đó, giải pháp tốt nhất là xây dựng các khu công nghiệp tập trung.
Hiện, vấn đề thu hút nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế bởi các trường đại học ít đào tạo ngành này, các ngành cũng chưa có chính sách để thu hút sinh viên. Ông nêu ví dụ về một nhà máy dệt ở khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định) mới khánh thành có công suất lên đến 3 triệu mét một năm. Do không có nguồn nhân lực, công ty này phải thuê nhân lực từ nước ngoài nhưng vẫn không đạt yêu cầu. Vì vậy, ông đề xuất Việt Nam nên hợp tác với các nước có thế mạnh để hỗ trợ nhau đào tạo nhân lực.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệp may Việt Nam, Dệt may Việt Nam hiện nay là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về thu dụng lao động với khoảng 2,7 triệu người, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu sau điện thoại và linh kiện - năm 2018 đạt 36,1 tỷ USD, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngành nằm trong top 3 trong số các nước xuất khẩu dệt may thế giới, sau Trung Quốc, Ấn độ. Kim ngạch nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2018 đạt 21,8 tỷ USD.
Trong gần 30 năm nay, dệt may Việt Nam đã phát triển từ con số 0. Năm 1990 mới xuất khẩu 52 triệu USD. Đến năm 2002 khi ký hiệp định song phương với Mỹ, đã xuất khẩu khoảng 2,75 tỷ USD, đến 2013 đã tăng lên 21 tỷ USD, và 2018 là 36,1 tỷ USD.

Bài, ảnh: Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm