Hiệp định CPTPP

CPTPP được thực thi: Lo nhất là ngành chăn nuôi, chế biến thịt

Với năng lực cạnh tranh hạn chế về nhiều mặt, chăn nuôi chế biến thịt là một trong số ít ngành nhạy cảm sẽ phải chịu bất lợi từ quá trình hội nhập và các cam kết mở cửa thị trường.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm / Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Xử lý nghiêm, không ngoại lệ

Thông tin trên được Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản-Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Toản cho biết tại hội thảo “Ngành thủy sản-Trái cây, rau củ quả-Chăn nuôi, chế biến thịt trước cơ hội và thách thức CPTPP”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả CPTPP” của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, diễn ra vào ngày 27/11, tại TP.Cần Thơ.
Ông Toản cho biết, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đã có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2000 – 2012 (giá trị sản xuất năm 2012 cao gấp 8 lần so với năm 2000; tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp tăng từ 19,4% năm 2000 lên 26,8% năm 2012).
Phiên thảo luận tại hội thảo.

Phiên thảo luận tại hội thảo.

Mặc dù vậy, từ 2012 đến nay, hoạt động chăn nuôi và sản lượng thịt các loại của Việt Nam tăng trưởng ở biên độ hẹp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Từ sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam liên tục nhập siêu các sản phẩm ngành chăn nuôi, thâm hụt thương mại sản phẩm này mỗi lúc một lớn.
CPTPP có nhiều cam kết thuế quan và phi thuế quan có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản, trái cây-rau củ và sản phẩm thịt của Việt Nam. Vì vậy việc tìm hiểu các cam kết CPTPP liên quan, nhận diện các tác động của chúng tới triển vọng thị trường cũng như xu hướng phát triển của các ngành này có ý nghĩa quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội hấp dẫn từ CPTPP.
Với góc nhìn lạc quan, bà Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho rằng, CPTPP là một trong 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nhất mà Việt Nam ký kết cho tới thời điểm hiện tại. CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội phát triển có ý nghĩa cho nhiều ngành kinh tế, cho môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong đó, thủy sản, trái cây, chăn nuôi chế biến thịt là những ngành kinh tế quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và của cả nước nói chung. Bước đầu hội nhập đã thúc đẩy cả ba ngành nông nghiệp quan trọng này đã có những chuyển động mạnh mẽ, với những nỗ lực tái cơ cấu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững.
Nếu như ngành chăn nuôi, chế biến thịt còn những hạn chế nhất định như quy mô nhỏ lẻ, chế biến thô sơ, giá thành cao thì bù lại ngành thủy sản và trái cây tại khu vực ĐBSCL đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường.
Trước hết là ngành thủy sản là ngành kinh tế thế mạnh truyền thống của Việt Nam. Trong quá trình hội nhập, thủy sản cũng là ngành năng động, đứng trong tốp các ngành xuất khẩu lớn và phát triển liên tục.
Năm 2018 xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản đạt kim ngạch 8,4 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm 2017, 22% so với năm 2015. Hiện thủy sản Việt Nam đã có mặt ở khoảng 160 thị trường, trong đó 03 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản (chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu).
Mặc dù vị thế xuất khẩu khiêm tốn hơn nhiều so với thủy sản, trái cây rau củ cũng là ngành nông nghiệp có thế mạnh, với các lợi thế về kinh nghiệm sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và lao động. Năm 2018, VIệt Nam đã xuất khẩu xấp xỉ 3,81 tỷ USD trái cây rau củ đến hơn 60 thị trường nước ngoài (trong đó khoảng 70% là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc). Tiềm năng xuất khẩu của ngành này là đặc biệt lớn, khi mà mới có khoảng 10% sản lượng được xuất khẩu, và dư địa các thị trường xuất khẩu còn rất rộng và nhu cầu thế giới đối với các sản phẩm trái cây-rau củ ngày càng lớn.
“Tất nhiên, bên cạnh “cơ hội” thì 2 ngành này cũng cần phải nỗ lực vượt qua thách thức rào cản cả kỹ thuật và pháp lý ở các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó cũng phải tái cơ cấu sản xuất, thay đổi công nghệ gieo trồng, chế biến phù hợp đảm bảo yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao hơn nhưng giá cả ngày phải càng rẻ hơn”, bà Trang lưu ý các doanh nghiệp.
Đông đảo các doanh nghiệp tới tham dự hội thảo.

Đông đảo các doanh nghiệp tới tham dự hội thảo.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Thu-Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết là một doanh nhân xuất thân từ nhà vườn nên biết rất rõ những khó khăn của ngành hàng này. Để có thể “mở hàng” đưa quả xoài đi Mỹ, công ty đã mất nhiều năm để tiếp cận thị trường này.
“Với xu hướng hội nhập kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, trái cây Việt Nam có cơ hội để khẳng định mình trước thị trường thế giới. Thế nhưng, dù đạt năng suất cao, chủng loại đa dạng, hương vị phong phú nhưng do chất lượng chưa cao nên giá trị của trái cây nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một điểm yếu khác của doanh nghiệp Việt Nam đối với mặt hàng này là khâu thu hoạch, bảo quản còn rất yếu. Tại sao trái cây nhập khẩu đến tay người dùng Việt Nam thì tươi như mới hái, còn trái cây ta xuất đi đến nơi thì không còn giữ được tươi ngon như mới thu hoạch. Giải pháp khắc phục được nhược điểm này đã vượt qua khả năng của doanh nghiệp nên chúng tôi rất cần được các nhà: Nhà nước, Nhà khoa học hỗ trợ”, bà Thu nêu đề xuất.
Theo Ninh Thới/Diễn đàn doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm