Hiệp định CPTPP

‘CPTPP không hoàn toàn màu hồng đối với ngành dệt may Việt Nam’

Đối với ngành dệt may, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đưa ra một số quy định rất khó khăn, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ nguyên liệu đầu vào, bà Bùi Kim Thùy, Trưởng Đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), cho biết.

Thông điệp từ giới kinh doanh khi CPTPP được kích hoạt / Doanh nghiệp phải làm gì để tận dụng thời cơ của CPTPP?

CPTPP – khó hay dễ?

Chia sẻ tại hội thảo “CPTPP và các quy tắc xuất xứ giúp thuận lợi hóa thương mại trong ngành Dệt may” ngày 22/11, bà Thùy cho biết Việt Nam đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong 12 hiệp định đã được ký, có 10 hiệp định đã được thực thi, như ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN), ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc,… và 2 hiệp định chưa có hiệu lực là CPTPP và ASEAN – Hong Kong, Trung Quốc.

Từng được xem là đối trọng đối với CPTPP, RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) cũng được thành lập với 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác mà ASEAN đã có sẵn FTA. Hiện tại, RCEP đang đi tới những phiên đàm phán cuối cùng, có thể được ký vào đầu năm sau và có hiệu lực từ đầu năm 2020. RCEP ra đời như là một hiệp định để đồng bộ hóa về các quy định biểu thuế, xuất xứ,… mà không làm mất đi tính hiệp lực của các hiệp định hiện có.

Theo bà Thùy, việc tham gia đa dạng FTA như hiện nay giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lựa chọn khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Ví dụ, khi xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật Bản hoặc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Nhật Bản về, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có tới 4 lựa chọn xuất/nhập khẩu thông qua FTA ASEAN – Nhật Bản, Việt Nam – Nhật Bản, RCEP và CPTPP.

‘CPTPP không hoàn toàn màu hồng đối với ngành dệt may Việt Nam’ - Ảnh 1.

CPTPP không phải là toàn một màu hồng đối với ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: Frontera.

Trong đó, bà Thùy cho rằng CPTPP có quy định khó khăn nhất đối với ngành dệt may khi thiết lập quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, thay vì vải như trong FTA ASEAN – Nhật Bản và Việt Nam – Nhật Bản. Quy định khó khăn này, cùng với việc Mỹ rút khỏi TPP, sẽ khiến doanh nghiệp “xa lánh” CPTPP. Nếu RCEP đàm phán thành công, quy tắc xuất xứ đối với ngành dệt may thậm chí sẽ lỏng hơn.

CPTPP hiện quy định truy xuất nguồn gốc từ đơn vị sợi trở đi, tức là sợi phải được nhập từ các nước thành viên CPTPP. Mặt khác, CPTPP vẫn cho phép các nước thành viên khi đàm phán có thể đề xuất danh mục hàng hóa mà họ cho là quá khó để tìm được nguồn cung ngay tại thời điểm hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, điều kiện này chỉ được áp dụng cho một số mã hàng hóa và quốc gia nhất định và chỉ kéo dài trong 5 năm.

Trong khi đó, FTA ASEAN – Nhật Bản hay Việt Nam – Nhật Bản đưa ra quy tắc xuất xứ từ đơn vị vải trở đi. Trong một số trường hợp ngoại lệ, một số mã HS có 1 công đoạn được diễn ra ngoài FTA, như biến từ vải thô thành vải thành phẩm.

Hiệp định có quy tắc lỏng nhất đối với ngành dệt may đó là ATIGA, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, Việt Nam – Hàn Quốc và Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu. Những FTA này chỉ yêu cầu công đoạn cuối cùng, cắt – may – khâu thành sản phẩm, được thực hiện tại Việt Nam, và nguyên liệu đầu vào có thể nhập từ bắt kỳ quốc gia nào.

Tương tự, FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu cũng quy định truy xuất nguồn gốc từ đơn vị vải trở đi. Tuy nhiên, hiệp định này linh hoạt hơn vì cho phép doanh nghiệp cộng gộp từ bên thứ ba, là một quốc gia cùng lúc có FTA với Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ví dụ, Hàn Quốc đang có FTA với cả Việt Nam và Liên minh châu Âu nên nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc được xem là có xuất xứ từ Việt Nam.

 

Đối với Hiệp định Việt Nam – Australia, New Zealand, FTA này không đòi hỏi về xuất xứ của nguyên liệu đầu vào nhưng yêu cầu hàm lượng giá trị thành phẩm được tạo ra trong phạm vi FTA là 40%. Tuy nhiên, công đoạn cắt – may - khâu thành sản phẩm có thể diễn ra ở nhiều hơn một nước thành viên của hiệp định.

Mặc dù có những điều kiện khá thuận lợi như vậy nhưng tỷ lệ tận dụng 8 FTA của Việt Nam đang ở mức khá thấp. Tỷ lệ cao nhất ghi nhận được là 69% đối với FTA Việt Nam – Chilê, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều rất nhỏ.

“Điều này chứng tỏ, nếu sau này CPTPP có hiệu lực, thì với những quy định khó như vậy, hiệp định này cũng không phải là một màu hồng như báo chí hiện nay đưa tin. Nói cách khác, nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp cũng khó tận dụng được tối đa ưu đãi từ các FTA”, theo bà Thùy.

Vì vậy, doanh nghiệp cần phải so sánh từng hiệp định để tìm ra FTA nào có lợi nhất vào từng thời điểm, bà Thùy nhận định.

Làm gì để giữ lại giá trị gia tăng cho ngành dệt may Việt Nam?

 

Đại diện của USABC cũng khẳng định, nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, hàng hóa sẽ không được hưởng ưu đãi của bất kỳ FTA nào. “Chúng tôi lâu nay vẫn cho rằng đàm phán thuế quan và đàm phán quy tắc xuất xứ luôn song hành với nhau”, bà Thùy nói.

Để đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ của nguyên liệu, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có xuất xứ trong phạm vi FTA. Điều này sẽ kích thích các nhà sản xuất, xuất khẩu xây dựng nhà máy tại Việt Nam nói riêng và các nước nằm trong phạm vị FTA nói chung để sản xuất nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phải tăng đầu tư vào các khâu mà ngành dệt may Việt Nam đang yếu và thiếu, như công đoạn chuyển từ vải thô thành vải thành phẩm. Như vậy, họ vừa đảm bảo được việc nâng cấp chuỗi cung ứng vừa giúp giữ lại phần lớn giá trị gia tăng cho ngành dệt may Việt Nam.

1
Theo NĐH
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm