Hiệp định CPTPP

CPTPP: Tăng cường khuyến khích, định hướng doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp nội

DNVN - Ngày 14/3, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND về Thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên địa bàn thành phố.

Hàng xuất khẩu chủ lực trong CPTPP gặp nhiều thách thức / Quy tắc xuất xứ trong CPTPP khác FTA trước đây thế nào?

Kế hoạch nêu rõ: Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định CPTPP cho cán bộ, công chức và doanh nghiệp, người dân trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP.
Chú trọng tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp về các nội dung: Đặc điểm thị trường các nước trong CPTPP; cơ hội và thách thức khi thực hiện Hiệp định CPTPP; đầu tư, dịch vụ, hải quan, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ; nông, lâm, ngư nghiệp; lao động, môi trường và các cam kết cụ thể khác trong Hiệp định CPTPP, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó, giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.

Xây dựng các tài liệu tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin thị trường (cẩm nang doanh nghiệp đối với một số nhóm ngành, hàng, lĩnh vực liên quan đến thông tin thị trường hoặc các cam kết trong Hiệp định CPTPP).
Đồng thời, chú trọng công tác xây dựng pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực, trong đó, ban hành, triển khai các chương trình, cơ chế, chính sách nâng cao năng lực canh tranh cho các ngành hàng, nhóm hàng, doanh nghiệp, chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm trọng điểm của thành phố;
Theo kế hoạch này, UBND thành phố tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như chính sách hỗ trợ về tài chính, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm... để giúp người lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh; tiếp tục triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 với những nội dung như: Phòng ngừa và kiểm soát nguồn ô nhiễm môi trường; khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm